Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2007

Bánh Mỳ




Bánh mỳ, hay bánh mì, là lương thực quan trọng trên thế giới, đặc biệt là tại phương Tây và các nước trồng lúa mỳ. Bánh mỳ, tại những nơi này, là lương thực để ăn hàng ngày. Bánh mỳ được làm từ bột mỳ, nước, thường có thêm menmuối, đôi khi có các loại hạt khác, sau đó có thể nướng, hấp.
Có rất nhiều loại bánh mỳ, không những thay đổi tùy theo nước mà còn tùy theo từng vùng, từng sắc thái dân tộc, văn hóa... của người làm.




Người Mỹ viết về bánh mỳ Việt Nam


Chiếc bánh giòn tan của Việt Nam giống như kiểu sandwich thường gọi là bánh mỳ, đã dần dần hấp dẫn những người New York vì hương vị thơm ngon, giá rẻ. Tờ New York Times đăng lại mô tả của tác giả Jennifer 8. Lee.


Ở Chinatown, bánh mỳ được bán tại nhà hàng Sáu Voi, và Paris Sandwich, ở Boerum Hill là Hancos và ở Midtown Manhattan bánh mỳ bán tại Boi to Go.
Cách làm bánh khá đơn giản, bánh mỳ giống như chiếc sandwich nhưng thuôn dài, kẹp những lát thịt mỏng kèm rau xuất hiện ở thời kỳ Pháp thiết lập chế độ thuộc địa tại Đông Nam Á.
Rất nhiều người châu Âu đã phải cảm ơn và tiếp nhận ảnh hưởng từ đời sống của người dân ở các nước thuộc địa như Ấn Độ với Anh, Indonesia với Hà Lan, và Pháp với Việt Nam. Thời trước, người Việt Nam thường dùng cà phê Pháp với bánh mỳ cho bữa sáng.
Một người bạn đã dẫn tôi tới nhà hàng của người Việt mới mở ở số 79 Berry của Williamsburg, nhà hàng Silent H.
Một phần của Brooklyn, bao gồm Williamsburg và Greenpoint, là nơi tập trung dân nhập cư Ba Lan lớn nhất nước Mỹ. Và trong thực đơn của nhà hàng tôi tới có món: bánh mỳ gọi là “the Greenpoint” với xúc xích của người Ba Lan.
Bạn có thể cảm nhận hương vị thức ăn của bốn quốc gia và ba châu lục trong một chiếc bánh mỳ giá 6,5 USD. Điều này chỉ có ở Brooklyn!


2 nhận xét:

Coi Nguon Viet Nam nói...

Bánh mì Sài Gòn ở Singapore



Có một chàng trai Singapore vì mê bánh mì kẹp thịt kiểu Sài Gòn mà mở cửa hiệu bánh mì ngay tại Singapore. Anh muốn bánh mì kẹp thịt kiểu Sài Gòn không bị xem là món ăn hè phố tầm thường.

Từ Saigon baguette

Wei Chan là chủ cửa hàng Viet - inspired Deli. Nằm trong trung tâm mua sắm Raffles City nhộn nhịp của Singapore, cửa hàng của anh trông khá bắt mắt với kiểu bài trí hiện đại và ấm cúng. Đặc biệt hơn, đây là nơi duy nhất ở Singapore bán bánh mì kẹp thịt "đúng điệu" VN.

Đối với Chan, ẩm thực VN còn rất nhiều điều thú vị và bí ẩn chờ khám phá mà ổ bánh mì chỉ mới là ẩn số đầu tiên được "giải mã". Món ăn Việt rất ngon nhưng tôi thấy nó vẫn chưa được tiếp thị đúng mức. Tôi rất tâm đắc với ý tưởng quảng bá ẩm thực VN thông qua hình thức cửa hàng bán thức ăn (deli) trên phạm vi toàn cầu và mong muốn được hợp tác với các bạn để triển khai ý tưởng này.

Lẽ ra Chan đã nối nghiệp gia đình, trở thành ông chủ cửa hàng bánh ngọt (gia đình anh chuyên nghề làm bánh ngọt đã 23 năm qua với Công ty Pine Garden's Cake khá nổi tiếng tại Singapore), nếu không có ngày anh bị món bánh mì "quyến rũ" lúc du học ở Canada. "Lúc đó tôi thèm đồ ăn châu Á khủng khiếp. Ở Canada tìm đỏ con mắt cũng chẳng có chỗ nào bán thức ăn Singapore, tôi đành ăn tạm bánh mì kẹp thịt do người Việt bán. Gặm bánh mì riết rồi ghiền lúc nào không hay!", anh vui vẻ kể lại. Cái cảm giác "ngây ngất" khi cắn miếng bánh mì giòn rụm, tận hưởng sự hòa quyện giữa những miếng thịt thơm ngậy và những cọng đồ chua giòn ngọt lưu luyến theo Chan về đến tận Singapore.

Giờ đây, Chan đã có thể "ngây ngất" mỗi ngày khi chính tay anh làm ra được những ổ bánh mì "y hệt bánh mì VN" sau hơn hai năm trời mày mò thử nghiệm. Ông chủ quán 34 tuổi cười tươi rói khoe rằng hiện mỗi ngày cửa hàng anh bán được trên 100 ổ bánh mì kẹp thịt mà anh đặt tên là "Saigon baguette" (bánh mì Sài Gòn). Khách hàng của anh chủ yếu là người Singapore, một số là sinh viên VN du học tại đây.

Để có được ổ bánh mì đúng kiểu Việt như hôm nay, Chan đã phải trải qua những ngày tháng "trần ai" với cả trăm lần làm thử rồi... đổ bỏ. Anh nói khó nhất là làm sao để bánh phải giòn nhưng lại có độ mềm vừa phải chứ không quá cứng như bánh mì Pháp hay quá dẻo như bánh sandwich.

Đến Viet - inspired Deli

Lúc đầu, anh mở cửa hàng Viet - inspired Deli vào tháng 3/2003 là để "lấy ngắn nuôi dài", bán những món Việt tương đối dễ chế biến như bún thịt nướng, bún gà nướng, gỏi cuốn, soda chanh, cà phê Trung Nguyên... Khi cửa hàng đã khá ổn định và có khách quen thì Chan bắt tay vào nghiên cứu "bí kíp" làm bánh mì. Kinh nghiệm làm bánh hơn 20 năm của gia đình cũng chẳng thể giúp anh có được ngay loại bánh mì VN như mong muốn.

Tháng 6 năm ngoái, Chan lặn lội sang VN "chỉ để ăn bánh mì và học cách làm bánh mì". Sau đó, anh may mắn gặp được các đầu bếp giỏi của CLB đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn như anh Đỗ Kiều Lân (chủ nhiệm CLB), Nguyễn Thành Vũ, Phạm Cao Sơn... "Nhờ sự tư vấn của họ, cuối cùng tôi cũng đã cho ra lò mẻ bánh mì đạt tiêu chuẩn ISO đầu tiên vào ngày 5/5 năm nay", Chan cười tươi nói.

Chan là người có cách ăn nói khá hài hước và hay pha trò trong lúc nói chuyện. Nhưng khi nhắc đến tâm huyết dành cho bánh mì nói riêng và ẩm thực VN nói chung thì anh lại trở nên cực kỳ nghiêm túc. "Hình như ở VN, người ta chỉ xem ổ bánh mì thịt là một món ăn hè phố tầm thường. Nhưng đối với tôi, nó là một món ăn đặc biệt, thể hiện sự giao thoa trong văn hóa ẩm thực của Pháp và VN mà không nơi nào có được".

Chan rất chú trọng đầu tư cả nội dung lẫn hình thức cho loại bánh mì của cửa hàng. Anh nhập thịt jambon và patê từ Australia, sử dụng rau sạch và bao bì mẫu mã riêng, mời đầu bếp người Việt là chị Mai Thị Bảo Châu (trước đây làm ở khách sạn Sofitel Plaza, Sài Gòn) để cố vấn cách kết hợp các nguyên vật liệu sao cho hài hòa và đẹp mắt nhất. "Tôi muốn đẩy hình ảnh ổ bánh mì lên một tầm cao hơn và hy vọng làm cho mọi người biết nhiều hơn về nó. Đó là cách đối xử công bằng nhất với món ăn tuyệt hảo này!", anh nói.

Coi Nguon Viet Nam nói...

Bánh mì Sài Gòn

1. “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ. Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ” là một kiểu quảng cáo cho bánh mì Sài Gòn nhưng thỉnh thoảng đi tỉnh vẫn nghe người ta quảng cáo kiểu ấy. Không lẽ, bánh mì từ Sài Gòn được đưa về tận tỉnh? Hay là ở tỉnh người ta áp dụng “công nghệ” làm bánh mì theo kiểu Sài Gòn? Thôi, không bàn đến chuyện ấy nữa, e rằng đụng chạm lôi thôi (vì người ta vẫn thường mượn danh Sài Gòn trong nhiều lĩnh vực mà). Trong bài viết này, chỉ xin tản mạn đôi điều về chuyện ăn bánh mì ở ngay tại Sài Gòn mà thôi.



Trong hàng loạt kiểu ăn sáng thì có thể nói gặm bánh mì là kiểu được nhiều người ưa chuộng nhất. Buổi sáng mắt nhắm mắt mở, lật đật đi đến công sở, không kịp ghé hàng quán tử tế thì ghé đại vào một xe bánh mì nào đó bên lề đường. Chỉ đủ thời gian để làm cữ cà phê vỉa hè thì phương án tốt nhất là bỏ cặp táp một ổ bánh mì để có thể vừa ăn sáng, vừa uống cà phê, vừa đọc báo. 3 trong 1, tiện đủ bề. Cũng có nhiều người ăn sáng kiểu “bồi dưỡng” riết cũng ngán, buổi sáng chạy thể dục về tiện thể mua nửa khúc bánh mì lót dạ v.v…



Mà, ai bảo bánh mì chỉ là thức ăn sáng? Nó còn dùng để ăn trưa, ăn chiều, ăn tối. Mọi lúc, mọi nơi. Không một con đường, hẻm phố nào của Sài Gòn lại không có bánh mì. Có loại bánh mì “đủ thứ” tức có đủ: thịt, pa-tê, chả lụa, dưa leo v.v… nhưng cũng có bánh mì chỉ đơn giản một thứ: cá, bì, xíu mại, trứng ốp-la v.v… Lại có cả những tiệm bánh mì hoành tráng như bánh mì Nam Sơn “chuyên trị” bánh mì breakfast: thịt bò, pa-tê, khoai tây chiên… ngon có tiếng. Nhưng, ở đây chỉ xin nói chuyện ăn bánh mì kiểu nhanh gọn, rẻ tiền, chứ không phải kiểu ăn “phô trương” trong hàng quán sang trọng. Dân Sài Gòn nói riêng, dân Việt Nam nói chung, ăn bánh mì cũng như dân ở bên Tây dùng thức ăn nhanh. Nó vừa giải quyết được thời gian, vừa đáp ứng được vấn đề của… bao tử. Thử tưởng tượng xem, nếu một ngày ra đường mà không thấy một tiệm bán bánh mì nào. Không sợ nói quá, nếu có trường hợp ấy xảy ra thì Sài Gòn không còn là Sài Gòn nữa!



2. Tôi có anh bạn nhà văn từ Hà Nội vào Sài Gòn chơi. Được dăm ngày, một buổi sáng, khi đang ngồi cà phê vỉa hè, anh chợt đưa ra nhận xét: “Sài Gòn có cái bánh mì là lạ nhất”. Tôi chưa hiểu. Anh giải thích: “Ở Hà Nội, người ta cũng bán bánh mì nhưng là để trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, một người bán bánh mì, mỗi bữa dẫu chỉ bán chục cái bánh cũng có một cái xe lắp kính hẳn hoi…”. À, thì ra cái lạ là ở chỗ “cái xe có kính” rất ư đàng hoàng tử tế ấy. Chưa hết, bánh mì Sài Gòn còn rất ngon và có nhiều sự lựa chọn. Ngán thịt, sợ phì thì kêu bánh mì bì. Muốn bụng nhẹ, mau tiêu thì gọi bánh mì cá. Thích bồi dưỡng một chút thì “đủ thứ”. Còn chỉ cần đủ dinh dưỡng thì “trứng ốp-la”.



Có lẽ không nơi đâu, bánh mì phong phú thể loại như ở Sài Gòn. Cũng có đôi khi cũng ghé nhầm tiệm bánh mì dở, nuốt không trôi. Nhưng cũng nhiều lúc chợt khám phá ra những tiệm bánh ngon bất ngờ. Với tôi, những buổi sáng đi làm muộn thường ghé gánh bánh mì dọc đường Trần Quốc Thảo, trước số 81 Quán Văn nghệ. Tôi hay mua bánh mì ở gánh của một anh chàng mà bàn tay xẻ bánh mì, nhét thịt nhanh như múa. Bánh mì ở đây ăn được, giá bình dân. Thời còn ở nhà thuê ở đường Yên Đỗ-Tân Phú cũng có thấy một ông bán bánh mì dạo, nhưng chỉ bán từ độ 3 giờ chiều đến tối. Bánh mì đặc ruột, rất thơm ngon. Buổi tối thức khuya thì rảo bước ra ngã ba Hương Lộ 14-Độc Lập, thấy có xe bánh mì của vợ chồng người xe ôm rất ngon, mà nhiều lần tôi “giải quyết” một lúc hai ổ. Về Thủ Đức, thỉnh thoảng ghé mua bánh mì chỗ vòng xoay trước bưu điện. Tiệm bánh mì này lúc nào cũng đông, nhưng thích ăn nên không ngại đợi chờ…



Bánh mì Sài Gòn. Mình đã ghé bao tiệm bánh mì bất chợt trên đường? Đã ăn bao nhiêu ổ bánh mì trong hơn 15 năm sống ngụ cư? Không nhớ hết, không tính được, chỉ biết rằng, trong cuộc sống có những thứ cần phải chọn lọc, giản lược. Cũng như có những món ăn mà mình gần như không bao giờ tìm đến. Nhưng, với bánh mì Sài Gòn thì… muôn thuở như tình yêu ban đầu.

Trần Nhã Thụy / báo Sài Gòn Giải Phóng