Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Chổi Lông gà


Đồng Tháp từ lâu nổi tiếng với nhiều làng nghề như: làng nghề mê bồ ở xã Mỹ Trà (thành phố Cao Lãnh), đóng xuồng ở Bà Đài (Long Hậu), làng chiếu ở Định An, Định Yên (Lai Vung)... ở xã Bình Thành (huyện Lấp Vò) có một làng nghề đã 60 năm tuổi và đang tiếp tục phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Đó là làng làm chổi lông gà.
Chúng tôi đến thăm làng chổi Bình An vào một ngày nắng đẹp. Đường dẫn vào làng rực rỡ với bao sắc màu: xanh, vàng, đỏ, tím..., đó là những cọng lông gà, cọng nylon được xâu thành từng xâu dài hơn 1m đã nhuộm màu sẵn. Đây là một công đoạn để hoàn thành cây chổi, vật dụng rất quen thuộc với mọi người. Người làng chổi phần đông ai cũng được làm quen với nghề từ nhỏ, bởi đây là công việc tương đối dễ học, dễ làm, dễ kiếm tiền. Đàn ông thường đảm nhận những phần việc nặng như đi tìm mua vật liệu hoặc chở chổi đi bán. Người bán trong tỉnh thì đi trong ngày. Còn những ai đi bán ở TP. Hồ Chí Minh, miền Trung, miền Bắc thì nửa tháng hoặc hơn tháng mới về.
Người già, phụ nữ, trẻ em đảm nhận những khâu nhẹ nhàng như xỏ chỉ thành từng xâu và đem phơi... Ai mới đến xóm chổi hẳn sẽ ngạc nhiên khi hầu hết xe đạp ở xứ này đều được đóng thêm một giàn nhỏ bằng tre ở phía sau, để thuận tiện hơn khi chở chổi đi bán dạo. Cư dân xóm chổi ít có lao động nhàn rỗi, nhất là mùa sản xuất chính trong năm (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch). Đó là thời điểm cả xóm, nhà nào cũng có chung không khí khẩn trương, tranh thủ làm ra thật nhiều sản phẩm để tăng thu nhập. Lúc đó, làng chổi nhà ai cũng sáng đèn, cố gắng hoàn thành nốt những cây chổi cuối cùng để kịp giao hàng vào buổi sáng.
Người dân xóm chổi kể lại, trước kia, nghề truyền thống của làng là làm quạt bằng lông vịt, người dân đi bán quạt ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, thấy người Hoa ở đó làm chổi lông gà, họ lén học nghề rồi về làm, từ đó nghề này “bén duyên” đất Bình An, tồn tại cho đến ngày nay. Để hoàn thành một cây chổi lông gà, trước tiên phải phơi lông gà thật khô, dùng dây chỉ xỏ thành từng sợi. Loại lông đuôi gà trống màu nâu thì để nguyên, nếu là lông gà màu trắng thì nhuộm màu, phơi thêm một nắng nữa rồi quấn vào những đoạn trúc hay mây dài 3,5 - 6, 5 tấc tùy loại chổi lớn hay nhỏ, dài hay ngắn. Chổi được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng /cây, như vậy, mỗi lao động làm chổi cũng có thu nhập vài chục nghìn đồng /ngày.
Những hộ không sản xuất chổi thì nhận xỏ xâu lông gà thuê, việc này đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo vì dễ bị kim đâm vào tay, người làm giỏi có thu nhập 15.000 – 20.000 đồng /ngày. Nghề làm chổi lông gà còn giúp “sinh” nghề mới, đó là chở chổi thuê. Những bác tài chạy xe lôi, xe ôm ở làng chổi thu nhập 15.000 – 40.000 đồng /ngày. Anh Nguyễn Văn Hùng, theo nghề này hơn 10 năm cho biết: “Thu nhập từ việc chở thuê cũng ổn định, nhưng phải dạy rất sớm vì phải đi từ 2 - 3 giờ sáng, vô mùa nhiều người thuê, chở không kịp dễ bị trễ chuyến hàng”. Người làng chổi ít đi nơi khác làm nghề, ông Trần Văn Thành, 58 tuổi, 40 năm theo nghề cho biết: “Nghề này ở đây cần nhất là không khí người người cùng làm, nhà nhà cùng làm, nếu đi nơi khác sẽ buồn tẻ, dễ nản chí lắm...”.
Để giữ vững làng nghề làm chổi lông gà ở xã Bình Thành, bà con đang rất cần sự hỗ trợ về vốn, mặt bằng từ các ngành chức năng để mở rộng cơ sở sản xuất

( ST)

1 nhận xét:

Coi Nguon Viet Nam nói...

Trần Tiến Dũng
Gửi đến BBC từ Sài Gòn

Người bán chổi lông gà
Trên chuyến xe buýt rời huyện Giồng Riềng, một huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, tôi bắt gặp một bà cụ bán chổi lông gà, chổi ni lông.

Lúc ấy khoảng hai giờ chiều, và như mấy tay lơ xe nói thì cụ đang từ chợ này chuyển qua chợ khác. Tôi ngồi trên hàng ghế ngang, cụ ngồi đếm tiền trên hàng ghế dọc.

Những tờ giấy bạc cụ để trong cái nón lá và bằng gương mặt có vẻ như lúc nào cũng bình an, cụ đếm đi đếm lại số tiền ít ỏi đó.

Với người dân miệt này, một bà bán chổi lông gà đâu có gì lạ. Một người bán vé số ngồi cạnh tôi nói:

“Ai cũng phải mần để ăn chứ. Bả không mần một ngày là chết rã ruột.”.

Chổi lông gà có hai thứ, chổi cán ngắn để quét bàn quét tủ, cán dài mấy thước dành để cho các nhà giàu quét bồ hóng, màng nhện ở nhà giữa.

Có thể tạm hiểu chổi lông gà là thứ chổi không được phép quét rác dưới đất, chất dơ dưới thấp mà chỉ dùng riêng cho việc quét bụi, chất dơ bám vào màn trướng, kèo cột phía bên trên nhà giữa, bàn thờ.

Chuyện ngày xưa

Ngày xưa, trong nhà người miền Nam từ khá đến giàu, nhà nào cũng sắm đủ hai thứ chổi lông gà, có vậy dọn dẹp quán xuyến cái dơ mới xuể. Nhà nghèo, thường mua một cây chổi lông gà cán ngắn.

Từ bàn, tủ, giường đến bàn thờ nhà nghèo thường nhỏ, thấp, cho nên bụi dơ cũng đơn sơ, dùng chổi lông gà cán ngắn là đủ dọn, gọn hơ.

Vào khoảng thập niên 70, từ thị hiếu người xài, người ta chế thêm loại chổi bằng sợi ni lông tước nhuyễn. Loại chổi này là một trong những món hàng bằng nhựa đầu tiên mở đầu cho thời đại sản xuất và xài đồ nhựa ở miền Nam.

Việc một người nào đó tình cờ tìm thấy lại trong đời sống hôm nay, một hình ảnh mưu sinh xưa cũ thì cũng đâu có gì lạ.

Một nghề cũ, một quán xưa, dù có gợi lại lòng hoài cảm nhưng cũng không có ý nghĩa gì nhiều nếu không mở ra một câu hỏi.

Có thật là đến tận bây giờ, giữa thời đại kinh tế toàn cầu này, với hàng núi những sản phẩm hiện đại, việc làm và bán những món hàng thô sơ và xưa cũ như cây chổi lông gà. “Mần ăn như vậy thì sống làm sao!”

Sau khi cất tiền vào túi, bà già bán chổi lông gà ngồi ngửa mặt, đầu tựa vào băng ghế, miệng hả ra và ngủ ngon lành. Chuyến xe buýt miền quê luôn ồn ào và xốc dằn, đống chổi ni lông và chổi lông gà nằm ngay dưới chân bà cũng xổ tung ra như thể chúng cũng đang rất mệt.

Kiếm được miếng ăn, giấc ngủ luôn là việc quá sức đối với một bà già và thứ hàng quá cũ xưa. Có khi nào bạn gặp ở đâu đó những người làm và mua bán thứ hàng lỗi thời này, gặp ở đâu đó, lúc họ nổ lực chào hàng, rao hàng đến tuyệt vọng không!

Bà già bán chổi lông gà vẫn ngủ ngồi. Chuyến xe buýt chạy gần đến trạm Tắc Cậu trở nên đông khách hơn, nhưng vì sao không ai ngồi vào cái ghế kế bên bà.

Giấc ngủ của cụ bà kéo dài khoảng chừng mười phút, trong lúc ngủ thỉnh thoảng mắt bà mở ra, hé cái màu trắng đục ngầu của đôi mắt người già. Tôi nhớ bà nội tôi ngày nào có nói: "Những người ngủ hay mở mắt là người cả đời bôn ba vất vả."

Năm bà nội tôi mất, giỏi lắm cũng chỉ bằng đúng cái tuổi của bà già bán chổi này.

Lúc bà già bán chổi thức giấc, bà không nhìn ai, chỉ nhìn qua cửa xe. Có lẽ ở đâu đó bên kia con sông Chanh, thuộc huyện Giồng Riềng này là nhà của bà, nơi có sẵn một miếng đất để trăm tuổi già bà nằm nghỉ.

Đó là điều chắc chắn duy nhất mà nhiều người lớn tuổi ở Việt Nam có thể nắm giữ được sau khi trải hết cuộc đời mưu sinh khó nhọc.