Thứ Ba, 2 tháng 10, 2007

Lồng đèn


Thị xã Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia... đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Cũng chính người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng thay cho việc dùng đĩa đèn dầu lạc xưa kia.
Đèn lồng chính là kết quả của sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Được tạo ra thoạt tiên với mục đích phục vụ nhu cầu cuộc sống, đèn lồng dần trở nên tinh xảo qua bàn tay tài tình của các nghệ nhân.
Ngày nay, đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức cao lầu đặc sản, du khách còn được tận hưởng sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng xinh xắn. Đèn lồng truyền thống là một trong những sản phẩm độc đáo của Hội An - di sản văn hóa thế giới.


Trải qua bao thăng trầm thời gian, năm1998, sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng điện đã mang lại hiệu quả không ngờ. Từ đó, vào mỗi đêm 14 âm lịch, mọi sinh hoạt của thị xã bình yên này được quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước, và khu phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đã đồng loạt tắt điện để treo trước hiên nhà những ngọn đèn lồng huyền ảo. Trước đây, khi chưa tổ chức "Ðêm phố cổ", trên bàn thờ mỗi nhà ở Hội An đều có treo 2 chiếc đèn lồng lớn được viết chữ Tàu rất đẹp, đó là tên của cả dòng họ mỗi tộc

Hội An có vô số các cửa hàng bầy bán đèn lồng làm kỷ niệm. Tuỳ theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn đưa tới những loại ánh sáng khác nhau. Ðó có thể là mầu đỏ may mắn, mầu vàng tươi vui, mầu gấm huyết dụ kiêu sa hay sắc xanh lãnh lẽo. Đặc biệt nhất là những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình sinh sống lâu đời ở đây gìn giữ và chỉ chưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội hoạ thật sự. Các tích truyện cổ nổi tiếng được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, sinh động và hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Mỗi khi toả sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biếc sẽ liên tục quay tròn, hắt bóng các chi tiết lên mặt kính.
Ðèn lồng ở Hội An có nhiều kích cỡ, nhiều hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi giản đơn đến những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu. Dù vẫn toả sáng nhờ ngọn điện thông thường, song ánh sáng đèn lồng mờ dịu và phảng phất dấu ấn của thời xưa cũ. Những chiếc đèn tròn, lục lăng theo phong cách Trung Hoa treo dưới mái hiên và hai bên cửa ra vào; đèn quả trám hoặc ống dài kiểu Nhật Bản phất giấy trắng lơ lửng dọc theo hàng cột... tất cả đã tạo nên một thế giới lung linh. Cường độ ánh sáng giảm đi, song nhờ đèn lồng, chất men của thị xã lãng mạn đã làm say mỗi người khi đi qua phố cổ.
Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên. Bởi để làm được một chiếc đèn lồng cũng cần nhiều công phu. Tre làm lồng đèn phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt, sau đó phơi khô, vót mỏng tuỳ theo kích cỡ của loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Phải mất 4 ngày từ khi vót nan cho đến khi vẽ, trang trí. Sản phẩm "Đèn lồng Hội An" đã được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng Quảng Nam công bố tiêu chuẩn chất lượng với 9 kiểu dáng. Bao gồm các đèn hình tròn, hình tỏi, hình kim cương, hình dù, hình thùng, hình quả đu đủ, trái bí và hình bánh ú... Kích cỡ trung bình 25x120cm; tre làm nan phải già 3 năm trở lên, thân thẳng, vỏ không bị trầy xước. Vải bọc là loại vải tốt, có độ co giãn. Thép khoá đèn trung bình 0,3 - 3mm. Vật liệu làm đèn phải được xử lý chống mối mọt, nấm mốc và được sơn bảo vệ.

2 nhận xét:

Coi Nguon Viet Nam nói...

Đèn lồng đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, riêng có của phố cổ Hội An. Giờ đây, trên khắp đất nước Việt Nam, nơi nào cũng thấy ánh đèn lồng Hội An thắp sáng; du khách đến Hội An, trong hành trang ra đi đều có một vài chiếc đèn lồng. Đèn lồng Hội An không chỉ thắp sáng phố phường mà còn khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng những ai từng hiện diện trên những “con đường cong một cánh cung đầy…”
Một số tài liệu lịch sử đã ghi lại ngay từ thế kỷ XVII, tại Hội An đã xuất hiện những đèn lồng. Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có ghi một đoạn lời kể của một thương gia họ Trần (người Quảng Đông) khi chở hàng đến Hội An: Người Minh Hương và người Thanh (Trung Quốc) chọn Hội An làm nơi định cư đã mang theo đèn lồng từ quê hương đến và có thói quen thắp sáng đèn mỗi khi màn đêm buông xuống. Thời kỳ này, Phố cổ Hội An chia thành 3 khu phố chính: Phố An Nam của người Việt, Phố Khách của người Hoa và Phố Hoài của người Nhật. Năm 1639, khi nước Nhật chủ trương đóng cửa với thế giới bên ngoài, thì Phố Hoài của người Nhật được để lại cho người Việt và người Hoa quản lý. Phải chăng sau khi người Trung Quốc đến Hội An định cư, trong quá trình giao lưu hội nhập, người Hội An đã chú ý nghiên cứu, phát triển chiếc đèn lồng để hình thành một nghề kiếm sống? Nếu quả đúng như vậy thì nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có từ thế kỷ XVII.
Theo các bậc cao niên ở Hội An thì từ xa xưa ông tổ của họ đã biết làm đèn lồng. Cụ tổ của nghề này tên là “Xã Đường”… Tuy cố tìm kiếm, vẫn chưa thấy tài liệu nào ghi lại chuyện này. Sự ngưỡng vọng cứ thế được bảo lưu, truyền đời.

Theo ông Huỳnh Văn Ba, một trong những nghệ nhân làm lồng đèn lâu năm và có tiếng ở Hội An thì cách đây 20 năm, khi thấy du khách đến Hội An thích thú với đèn lồng phố Hội nhưng không biết làm sao mang về nước vì nó cồng kềnh. Thế là ông để tâm nghiên cứu với mong muốn làm sao sản phẩm này đến được với nhiều nơi. Và từ chiếc dù đi mưa, ông Ba đã làm những chiếc đèn lồng xếp theo mô hình như thế. Ông Ba là nghệ nhân làm đèn lồng đầu tiên của Hội An được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn.

Từ giấy đến vải, từ đơn giản đến phức tạp, đèn lồng Hội An bây giờ đã trở thành một thương hiệu độc quyền. Ông Ba cùng với nhiều người khác nữa đã góp phần tạo cho Phố cổ Hội An những nét rất riêng không thể lẫn vào đâu được. Đèn lồng phố Hội như là một sự gợi nhớ về quá khứ. Trong đêm phố cổ với không gian bàng bạc, ánh sáng từ những chiếc đèn lồng muôn màu nghìn tía đã đưa du khách về với một Hoài phố xưa.

Phải mất 5 năm, ý tưởng xây dựng những phiên chợ đèn lồng của người Hội An mới thành hiện thực. Sau khi Hội An thành lập Hiệp hội sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với 34 cơ sở sản xuất đèn lồng đăng ký tham gia “Đèn lồng Hội An” chính thức được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể thì “ Phố đèn lồng” đã đủ điều kiện ra đời.

“Phố đèn lồng” Hội An nằm trên đường Châu Thượng Văn vòng qua Bạch Đằng. Từ Hội quán Quảng Triệu của cộng đồng cư dân Quảng Đông – Trung Quốc, du khách thả bộ xuống bến sông xưa, không gian thường được tái hiện quang cảnh “trên bến dưới thuyền” của một thời thương cảng Faifo sầm uất. Bên kia là công viên vườn tượng Nguyễn Phúc Chu. Ở bên này, chỉ cần bước qua bóng liễu, du khách đã tận thấy Chùa Cầu- biểu tượng hào hoa của “ những giá trị không trùng lặp” về một vùng văn hóa ẩn tàng nhiều màu sắc của giao lưu, tiếp biến Đông Tây trong mấy trăm năm.

“Phố đèn lồng” chỉ dài chừng 100 m, nhưng đi là… có thể lạc. Du khách từng biết về Hội An những “Đêm phố cổ”, hẳn sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi về với phố trong những tối thứ tư, thứ bảy, chủ nhật và 14 âm lịch hàng tháng. Đó là những đêm phố…thức với đèn lồng, còn du khách nhiều lúc lại…mơ với thời gian và ánh sáng!

Hiện nay, nghề làm lồng đèn Hội An đang ăn nên làm ra. Hằng năm, doanh thu từ lồng đèn đạt đến trăm tỷ đồng và giải quyết được ít nhất là 300 lao động với thu nhập ổn định.

Một trong những cơ sở sản xuất có thu nhập cao ở Hội An hiện nay là cơ sở của anh Vĩnh Thiện ở Cẩm Nam. Xưởng của anh sản xuất lồng đèn chất lượng cao bằng khung gỗ bóng, lồng vải lụa Hà Đông, lụa Tân Châu. Anh Thiện đã xuất sang Đức 3.000 lồng đền với giá 50.000 đồng/cái. Riêng thị trường Thái Lan giá trị xuất khẩu đạt đến 7.000 đô la. Cơ sở đã xuất khẩu dài hạn cho 10 nước như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… Bình quân mỗi tháng xuất được trên 1.000 lồng đèn, thu lãi gần 35 triệu đồng. Toàn thị xã có ít nhất 25 cơ sở khác có quan hệ làm ăn với các đối tác nước ngoài bằng đường xuất khẩu ủy thác.

Thị xã Hội An hiện có khoảng 70 cơ sở sản xuất lồng đèn với số lượng lớn, chưa kể hàng chục hộ gia đình làm gia công với trên 300 lao động. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 600.000 đến 800.000 đồng/tháng; thậm chí có hộ gia đình thu nhập 100 đô la mỗi ngày. Hằng năm, lồng đèn Hội An xuất khẩu ra nước ngoài bằng con đường ủy thác và bán trực tiếp cho khách du lịch không dưới 200.000 cái. Nhiều cơ sở có doanh thu cả trăm triệu đồng/năm.

Trong khi giá trị xuất khẩu của mặt hàng này ngày càng tăng cao thì việc đầu tư và có chính sách khuyến khích, mở rộng quy mô sản xuất là một hướng đi đúng. Lồng đèn không chỉ là một sản phẩm độc đáo, mang đậm chất văn hóa địa phương mà còn là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Hội An.

Coi Nguon Viet Nam nói...

Sự tích lồng đèn kéo quân
Ngày xưa, gần đến dịp tết Trung thu, theo lệnh Vua, dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý.
Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: "Ta là Thái Thượng Lão Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng Vua".
Hôm sau theo lời dặn của Thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn.Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua.
Nhà vua xem, thấy chiếc đèn vừa lạ, vừa nhiều màu sắc lại biết chuyển động nên rất hài lòng. Khi Vua hỏi ý nghĩa của chiếc đèn, Lục Đức theo lời Thần tâu rằng: "Thưa bệ hạ, thân trúc ở giữa đèn là biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức. Sáu mặt của chiếc đèn làm bằng giấy tươi sáng biểu hiện cá tính của con người".

Vua truyền đem đèn cho dân chúng cùng xem. Đèn đốt lên làm quay chong chóng. Hiện lên sáu màu sắc rực rỡ là hình ảnh vua, quan, người, ngựa nối đuôi nhau. Tất cả những hình nhân trên đèn được làm bằng giấy. Vua ban thưởng cho mẹ con Lục Đức rất hậu và phong làm Vạn Hộ Hầu.

Từ đó, mối khi đến Tết Trung thu, nhớ lại sự tích người con hiếu thảo Lục Đức, dân chúng đua nhau bắt chước chàng làm nên những chiếc đèn màu rực rỡ gọi là đèn kéo quân