Thứ Ba, 2 tháng 10, 2007

Về đây đan chiếu Bêl Bàng

Men theo những triền dốc vòng vèo, đầy bụi đỏ, cuối cùng tôi cũng đến được xã Lát (thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng). Trong cái lạnh còn vương lại của tiết xuân, những cô gái Lạch (thuộc bộ tộc K’ho) vẫn đang khoe áo mới.Gương mặt ai cũng rạng ngời, lúng liếng mắt cưới đón khách.
Những sản phẩm chiếu bêl bàng
Non cao và rừng già của buổi sơ khai mở đất giờ chỉ còn là hoài niệm của người dân nơi đây. Xen giữa những vạt rau, những thửa đất trồng dâu tây, cà phê… dọc dài theo triền núi là những mái nhà ẩn mình thấp thoáng. Sau những buổi lên rừng, làm rẫy, các cô gái, phụ nữ trong thôn lại trở về với thiên chức của người quán xuyến mọi công việc trong gia đình . Và họ còn chính là người chắt lọc để lưu truyền cho con cháu giá trị tinh hoa, bản sắc dân tộc.
Những chiếc chiếu tơ đung độc đáo
Có thể nói đây là nét văn hóa truyền thống khá đặc trưng của người Lạch. Không giống như chiếu cói phương Bắc, chiếu lác (bàng) phương Nam. Chiếc chiếu bêl bàng (chiếu hoa) ở nơi đây được làm từ cây tơ đung, một loại cây rừng thường mọc ở chỗ trũng , đầm lầy.Cây tơ đung phát triển rất nhanh, có khi cao đến 4m. Những công đoạn làm chiếu bêl bàng khá tỉ mỉ và công phu . Đầu tiên là việc chọn nguyên liệu. Cây tơ đung mọc hoang trong rừng và mỗi tháng một lần người ta cắt tơ đung. 30 ngày tuổi là thời gian đủ để thu hoạch. Nếu cây non quá hoạc già hay trổ bông đều không thể đan chiếu được vì xốp và dễ gãy. Khi tơ đung được phơi khô phải phân loại to theo to nhỏ theo nhỏ để khi đan các dây có kích thước đều nhau và đem ngâm nước 20 đến 30 phút cho chắc , dẻo. Kế đến dùng chân đạp cho các sợi tơ đung dập nát rồi dùng dụng cụ (thường là thanh tre) vót cho các sợi đều nhau và đem phơi khô lại. Khi phơi lần thứ hai xong phải bảo quản và giữ độ ẩm nhất định để sợi dây mềm mại. Cuối cùng trước khi hoàn chỉnh nguyên liệu phải vót các sợi tơ đung thêm lần nữa cho thật đều nhau.
Sợi tơ đung – nguyên liệu làm chiếu
Một đặc điểm khác của chiếu bêl bàng là chỉ có hai màu: màu vàng ngà xanh tự nhiên của cây tơ đung và màu đỏ được nhuộm đề phối màu. Công việc nhuộm màu cũng tỉ mỉ không kém. Người Lạch sử dụng cây đuýnh , cũng là một loại cây rừng đem chặt thành từng khúc rồi đập nát. Phơi khoảng một tuần để cho cây chuyển từ xanh sang đỏ, đem nấu chung với dây tơ đung đến khi màu thấm đều sẽ vớt, phơi khô.Nhuộm sợi chiếu từ cây đuýnh không bao giờ bị lem hay phai màu.
Màu đỏ đằm thắm và màu vàng như màu đất rừng , cùng với kỹ thuật đan, phối màu tạo những đường diềm, hoa văn tinh xảo, độc đáo qua bàn tay tài hoa của phụ nữ Lạch ,chiếc chiếu bêl bàng mang chất nét riêng không thể trộn hòa.
Chị Kna Jan Tư hướng dẫn làm chiếu Bêl Bàng
Đời người, đời chiếu
Cùng với nghề dệt tổ cẩm truyền thống, phụ nữ Lạch từ khi sinh ra đã gắn bó và không thể nào dứt mình ra khỏi manh chiếu bêl bàng. Trong ngày lễ trong đại nhất đời người là ngày cưới, dù nhà giàu hay nghèo cũng không thể nào thiếu được cặp chiếu bêl bàng.Dường như đó là chứng nhân cho sự thủy chung, cho hạnh phúc lứa đôi.Rồi đến khi nhắm mắt lìa đời , chiếc chiếu lại là kỷ theo họ về bên kia thế giới. Với người Lạch, nếu ai không được bó trong chiếc chiếu bêl bàng khi về với tổ tiên , họ như thấy kiếp người chưa trọn.
Và cũng từ nguyên liệu của cây tơ đung này, phụ nữ Lạch còn đan cho mình những chiếc pơlơ (túi) đa dụng.Đấy không chỉ dùng để cất vật dụng trong nhà mà còn là chiếc đãy đựng gạo khi đi xa, đựng cơm nắm khi lên rừng, lên rẫy. Sự sáng tạo cùng với nghệ thuật đan tài ba , phụ nữ Lạch còn làm ra nhiều sản phẩm tinh tế khác từ nguồn nguyên liệu này để phục vụ đời sống. Chị Kna Jan Tư, một người gắn bó với công việc đan chiếu bêl bàng từ thủa nhỏ, giờ đã là người truyền nghề cho lớp con cháu cho biết: Dường như người phụ nữ Lạch khi sinh ra đã có khiếu đan. Không khuôn mẫu, không cần dụng cụ kèm theo, chỉ có đôi tay chắp nối sợi ngang sợi dọc là có thề tạo ra những sản phẩm theo ý muốn. Đan chiếu bêl bàng là một nghề truyền thống của người Lạch mà không đâu có cả , thế nhưng để làm nên một chiếc chiếu không chỉ tốn công sức mà còn phải kiên trì ( mỗi chiếc chiếu từ chuẩn bị nguyên liệu đến khi đan xong ít nhất phải mất 15 ngày) vì thế chúng tôi đang dành nhiều tâm huyết để lưu giữ nét văn hóa riêng của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian.
Làm từ sản vật của núi rừng, sợi tơ đung làm nên chiếu bêl bàng, ấm khi giá lạnh, mát khi hè sang, lại chắc và bền, trong sự giao lưu và hội nhập được người tiêu dùng ưa chuộng, đang mở ra một hướng đi mới để phụ nữ Lạch ổn định cuộc sống từ nghề thủ công truyền thống của mình.

2 nhận xét:

Coi Nguon Viet Nam nói...

với chiếc chiếu, hạnh phúc hay khổ đau đều cùng chiếu sẻ chia.

Coi Nguon Viet Nam nói...

An Phước - giữ hồn nghề dệt chiếu

Ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, người nghệ nhân già Nguyễn Văn Trị vẫn điêu luyện trong từng động tác, say sưa với từng câu nói về nghề dệt truyền thống đã có đến hơn 5 thế kỷ nay. Trong ánh mắt mờ đục của người nghệ nhân có mái đầu bạc như cước thỉnh thoảng ánh lên niềm vui và ẩn hiện những nỗi niềm thao thức cho nghề dệt chiếu An Phước mãi lưu truyền.

Tìm về làng chiếu An Phước

Xuôi theo con đường quốc lộ khoảng 30km từ TP Đà Nẵng về phía Nam, thêm 2km đường xã, chúng tôi tìm đến làng An Phước (Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) khi ở đây đang mở hội chiếu làng trong Hành trình di sản văn hoá 2007.

Người nghệ nhân già tận tình hướng dẫn từng động tác của nghề dệt như thể chúng đã kết tinh vào ông từ bao đời. Để rồi, trong ông không nguôi niềm mong muốn viết thêm trang sử làng nghề.

Đã hơn 500 năm nay, khi các vị tiền nhân Thanh Hoá theo hành trình mở mang bờ cõi phía Nam, đã phát hiện ra vùng đất đai trù phú An Phước, đem về những cây cói trồng cấy, dệt nên những chiếc chiếu đầu tiên và dệt cả một truyền thống văn hoá nơi đây.

Trải qua bao thế hệ, người làng An Phước đã dệt nhiều loại chiếu khác nhau: Chiếu bông, chiếu lảy (lảy chữ trên chiếu), chiếu bông lơi, chiếu xiêm... với một nét đặc sắc: “Chiếu làng An Phước có hoa văn sắc sảo, biết chặn chữ, bắt hình, những màu sắc hài hoà, cân đối...”, nghệ nhân Trị cho biết.

Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo và nhất là lòng yêu nghề. Từng động tác phải được kết hợp hài hoà giữa người lùa cói và ép cói. Trong các loại chiếu thì chiếu bông và chiếu lảy là khó nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và sắc sảo. Cứ thế, chiếu làng có ở hầu khắp các tỉnh, thành miền Trung. Theo anh Nguyễn Thịnh, một tiểu thương trong làng cho biết, mặc dù thị trường chiếu cạnh tranh lớn nhưng chiếu An Phước vẫn được người dân ưa chuộng, bởi “độ bền, dẻo, đẹp và nhất là có thể bắt chữ theo yêu cầu...”.
Hầu hết, người dân trong làng đều biết làm chiếu, những đứa trẻ lớn lên trong nghề nhờ sự hướng dẫn của cha mẹ, ông bà. Có nhà có đến 7,8 đời làm chiếu, riêng nghệ nhân Nguyễn Văn Trị cũng có đến 5 đời làm nghề này.

Theo thống kê của ông Hứa Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Duy Phước: trong tổng số trên 600 khung dệt, hơn 100 lao động toàn xã làm nghề dệt, làng An Phước có đến gần 200 khung và khoảng 400 lao động thường xuyên.

Thu nhập của người làm nghề trung bình 20.000/ngày, nhưng do lao động, nguyên liệu tại chỗ nên đời sống cũng khá ổn định. Nghề dệt chiếm khoảng 20% thu nhập toàn xã. Tuy nhiên, những con số này đang có dấu hiệu ngày một giảm, người làm nghề chủ yếu là người già, phụ nữ, lớp trẻ theo nghề không nhiều, thường theo làm những công việc khác...

Cho nghề dệt chiếu vươn xa

Ngày 26.10.2004, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định số 4570/QĐ công nhận làng nghề truyền thống cho An Phước. Đây là niềm vui rất lớn đối với người dân và mở ra nhiều hướng đi mới trong việc phát triển làng nghề. Theo ông Lê Trung Bê, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, việc phát triển nghề truyền thống này sẽ gắn kết với các điểm du lịch trong tỉnh..; đồng thời xây dựng cơ sở vật chất, một số bến đò, thuận lợi cho du khách tham quan bằng đường sông. Hiện tại, chính quyền xã đang hoàn chỉnh đề án cụ thể trong chiến lược xây dựng bền vững.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công tỉnh, mở lớp đan hàng mỹ nghệ từ cói, từ ngày 5.2.2007, bước đầu đã đào tạo được cho 20 học viên và đến nay có đến 5 mẫu hàng thủ công mỹ nghệ khác nhau. Cói được “hoá thân” thành những chiếc mũ, chiếc giỏ... sắc sảo qua những bàn tay vốn chỉ quen dệt chiếu, với giá từ 30.000 trở lên/sản phẩm. Sự xuất hiện của mặt hàng này thực sự đánh dấu một tín hiệu vui cho làng nghề trong định hướng phát triển du lịch. Những sản phẩm chiếu kết hợp với hàng thủ công mỹ nghệ và du lịch hứa hẹn đem lại một diện mạo mới cho An Phước và toàn xã.

An Phước đang sôi nổi trong những ngày hội, cái náo nức của người dân chẳng kém gì không khí hội làng dệt chiếu những thập niên trước đây trong ký ức của những nghệ nhân như ông Trị.