Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008

Nồi đất - hồn quê dần bị quên lãng


Tôi đến thăm làng nồi đất vào buổi sáng đẹp trời, giữa con đường đất dẫn ra sông những chiếc nồi đất đỏ au phơi ven đường. Chúng tôi tìm đến nhà một nghệ nhân lâu đời của làng, theo lời giới thiệu của dân làng.Bà Năm Thừa vừa thoăn thoắt xoay cái nồi đất sét, vừa hò:"Như Thạch Sùng xưa còn thiếu mẻ kho, huống chi em bậu lại so đo chuyện đời..."rồi bà nhìn tôi tủm tỉm cười, hỏi rằng:"Đố chú biết mẻ kho là cái gì?" Tôi chưa kịp trả lời, bà đưa tôi xem cái nồi đất bể và giải thích : "Ngày xưa dân nghèo của mình ở vùng nông thôn chủ yếu dùng đồ đất, khi nồi đất bị bể, họ dùng các mảnh vỡ để kho cá, kho mắm." Thực ra tôi không lạ gì cái này. Ngày còn nhỏ ở quê tôi, bà ngoại tôi chỉ thích ăn cơm nồi đất , cá mẻ kho, uống nước chè xanh trong niêu. Tôi thường bị mắng vì vô ý làm bể nồi cơm .Nồi đất nấu cơm đang nóng vô ý để trên đất ướt, nồi nứt cái tách và bể làm đôi, bà tôi dùng những mảnh bể để kho cá. Bây giờ, nghề làm nồi đất sống được là nhờ nhà giàu. Phong trào cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ, mắm quẹt mẻ kho nở rộ trong các nhà hàng, nên làng nghề này làm không đủ cung cấp cho Biên Hoà, Sài Gòn. Xóm Lò nồi nằm ngay trong lòng thành phố Biên Hoà có lịch sử hàng trăm năm nay. Theo bà Năm Thừa thì từ đời ông nội của bà nghề này đã rất hưng thịnh. Hồi ấy, mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền cập bến sông Đồng Nai để chở nồi đi cung cấp cho cả miền nam. Đất sét khu vực Bửu Long là loại đất đặc biệt, những cái nồi được nặn từ đất này ra, sau khi nung lên đỏ tươi,trông rất bắt mắt. Ngày xưa đất tha hồ lấy, bây giờ phải mua vì các khu vực có đất sét đều nằm trong khu quy hoạch. Những mảnh đất có chủ quyền tư nhân được đào lên bán với giá một trăm năm mươi ngàn một khối. Bình quân cứ bốn khối đất cho ra một ngàn sản phẩm, bán được khoảng ba triệu, trừ tiền đất, tiền công, tiền chất đốt, chủ lò còn lời được một triệu. Xóm lò nồi ngày nay còn được bốn lò với gần mười gia đình làm nồi. Làm ngày nắng, ăn ngày mưa, nên dù sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, cuộc sống của họ cũng chỉ ở mức trung bình. Ông Hai Kỷ là một người duy nhất ở xóm kiên định theo nghề. Cha ông có bốn người con, ông và cô em gái học được bí quyết làm nồi. Lò của ông cho ra khoảng ba chục loại sản phẩm khác nhau, loại nào cũng được thị trường ưa chuộng. Vào giai đoạn những năm tám mươi xóm này tan tác, sản phẩm làm ra không ai mua. Thợ nồi chạy khắp nơi, tìm nghề khác mưu sinh, hai anh em ông Kỷ vẫn cặm cụi làm nồi. Hàng làm ra ông đèo trên xe đạp đi rao bán cùng các làng quê ngõ hẽm. May mà hương vị cơm nấu từ nồi đất bao giờ cũng ngon hơn, miếng cơm cháy vàng ươm ,nên nhiều người dân quê vẫn mua sản phẩm của ông. Khi nghề làm nồi đất thịnh trở lại, thì cũng là lúc các nhà máy xí nghiệp mọc lên như nấm sau mưa,trai tráng xin đi làm công nhân, không ai chịu theo cái nghề lấm lem bùn đất này. Cái nồi đất nhỏ bé giá vài ngàn, mà ở các nhà hàng thành phố khi ăn cơm người ta thản nhiên đập cái bốp cho vui tai, người thợ nồi phải tốn khá nhiều công sức để tạo ra nó. Đất sét được phơi khô giã nhỏ, rây mịn ra, sau đó phải nhồi nặn như nhồi bột bánh mì, đây là công đoạn khó, nếu không có kinh nghiệm thì đất không dẻo, nồi làm ra khi phơi nắng sẽ bị nứt. Làm nồi là một nghề thủ công thuần tuý, tất cả các công đoạn phải nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Sản phẩm phải phơi thật khô mới cho vào lò. Dân làm nồi vẫn còn tục lệ cúng tổ rất long trọng trước khi đốt lò. Bà Năm Thừa kể rằng: "Nghe cha ông truyền lại ngày xưa khi các cư dân vùng ngũ Quảng vào đây lập nghiệp, các cụ tạo ra các sản phẩm từ đất để phục vụ cho cuộc sống. Nhưng nồi làm ra nung không chịu chín. Các cụ rủ nhau lên núi Châu Thới cầu xin, đêm ấy cụ tiên chỉ nằm mơ thấy một vị thần đầu đội nồi đất, mặt đỏ như lửa hiện về đứng trước lò nung, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Giật mình tỉnh dậy, cụ truyền cho dân làng cách dùng bổi đốt bên dưới lấy lửa ngọn, đổ than bên trên để nung. Mẻ nồi đầu tiên đỏ tươi rất đẹp, từ đó về sau mỗi khi đốt lò thợ lò đều cúng tổ."Nồi đất Bửu Long còn có loại hoa mè mà nơi khác ít có. Kỹ thuật nung nồi hoa mè, hiện nay còn có vài người làm được, loại này rất được khách nước ngoài ưa chuộng.Mùa khô năm ngoái xóm lò nồi sống lại không khí sôi nổi của một thế kỷ trước, người xe nườm nượp. Đó là khi mà một số doanh nhân người Hàn Quốc đến đặt hàng vạn món hàng bằng đất nung. Những mẫu mã mà họ đưa ra chưa hề có ở Việt Nam, nhiều mặt hàng khá cầu kỳ như bình rượu cổ,ly cổ của người Hàn. Xóm Lò nồi họp lại và giao cho bà Năm Thừa làm thử. Bà già gần bảy mươi tuổi mà bàn tay khá điệu nghệ, cục đất vào tay bà sau vài phút là thành nồi, thành chảo, thành khuôn bánh...Sau mẻ đầu tiên ra đời, khách hàng cực kỳ hài lòng và họ đặt số lượng lớn, tất nhiên ngoài sản phẩm theo ý họ, họ còn mua niêu đất hoa mè của xóm. Lần đầu tiên xóm lò nồi mướn người ngoài vào làm phụ. Trước lúc giải nghệ truyền nghề cho con trai trưởng bà Năm Thừa có thể tự hào rằng sản phẩm của xóm Lò nồi lần đầu được xuất ngoại. Tuy nhiên theo ông Tám thì hơn trăm năm trước các "chú khách" đã mua nồi đất ở đây chở về bán tại quê hương của họ bên Tàu.Khi biết chúng tôi tìm hiểu viết bài ông Nguyễn kỷ bảo: "Ừ viết ngay đi chứ sang năm chưa chắc đã còn xóm lò nồi, đất không còn để làm đã đành, mà bọn trẻ cũng không đứa nào chịu theo nghề thủ công, nhọc nhằn, thu nhập thấp lại không có bảo hiểm như trong mấy xí nghiệp!Tôi có bốn đứa con mà chẳng đứa nào theo nghề gia truyền này cả !" Phụ hoạ cho nỗi buồn cho ông Nguyễn Kỷ là lời hát mênh mang của bà Năm Thừa" Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè".Tôi ra về mang theo nỗi buồn phảng phất trong lời hát ru của người đàn bà làm nồi đất, chợt thấy thèm một miếng cơm cháy vàng ươm cạy ra từ nồi đất, chấm mắm kho quẹt, mà ngày xưa bà ngoại dành cho tôi sau giờ tan học. Hương vị dân dã của nó theo tôi suốt hành trình lưu lạc mấy chục năm qua .
( bài viêt của Một)

Thờ cúng tổ tiên


Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi được gọi khái quát là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Đông Nam Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việtvăn hóa Trung Hoa. Đối với người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo; không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà.
Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là "kỵ nhật") thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là "ngày ta"). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (ngày sóc), ngày rằm (ngày vọng), và các dịp lễ tết. Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử..., người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.
Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt ở trên cao, tại nơi trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ... Sau khi tàn tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là "hoá vàng", còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng phải làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất.
Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn giỗ.
Một biến thể của việc cúng giỗ là tục thờ "hậu" do nhà chùa hay đình làng đảm nhiệm. Trong trường hợp này người quá cố đã cúng tiền hay ruộng vào chùa hay đình để được hưởng lễ vật vào những ngày kỵ nhật.
Vì kính trọng tổ tiên, người Việt coi việc tang ma là trọng sự, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên.