Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bắp

Lỡ nói chuyện " bắp " mà dừng lại thì thấy thiếu, nên nói hết luôn. Ngoài bắp luộc là món từ xa xưa. Xuất khát từ tây nguyên, món bắp nướng cũng dần dần trở thành món ăn quen thuộc. Với người miền Nam chế biến thêm mỡ hành. Tây Nguyên nổi tiếng với các loại nướng...nướng...cho nên khoai sắn họ cũng nướng tất. Bắp nướng xuất thân từ đó. Miền cao, gió - núi, bắp nướng và mùi thơm trở thành một hương vị tuổi thơ với bọn trẻ con vùng cao. Cứ lây rẫy bẻ vài trái, rồi quăng vào đám than cháy, chờ vài phút khơi ra, có 1 trái bắp nướng thơm lừng.

Về tới các khu vui chơi giải trí, thì bắp còn trở thành súp bắp, chè bắp, bắp xào. Bắp xào có kèm ruốc, bơ, một ít tương ớt... đây là món khoái khẩu của học sinh khắp nơi. Ngoài ra râu bắp còn dùng để nấu nước uống cho mát. Vị thơm đồng quê của râu bắp gợi nhớ hình ảnh quê nhà. Và cứ đi đâu xa, người ta thèm 1 trái bắp nướng, để khơi gợi hình ảnh của 1 tuổi thơ miền quê nào đó....
 Bắp là một trong những loại lương thực không thể thiếu trong các loại nông sản. Không nơi đâu mà không trồng bắp, từ miền ngược tới miền xuôi. Những ngày đầu năm, báo Sài gòn tiếp thị có bài viết " bắp luộc đi Mỹ" cũng thể hiện một loại thực phẩm mang hương vị quê nhà này. Ta có thể thấy bắp luộc quanh năm. Trời mưa, mùa mưa, một trái bắp luộc nóng hổi là hết sức tuyệt vời. Những ngày nóng nực, hóng gió Sài Gòn, 1 trái bắp luộc cũng đủ làm cái cớ để người người hẹn hò. Từ lâu đời, do quá trình di cư, nên gánh hàng rong đã trở thành văn hóa Việt từ rất ( rất) lâu rồi. Bắp luộc từ đó mà " di cư" khắp nơi. Đâu phải chỉ dân SÀi Gòn mới thích ăn bắp luộc. Không ai biết việc ăn bắp luộc có từ khi nào, chỉ biết rằng... ngày xưa, vì lo sợ rằng mùa sau sẽ bị đói, người nông dân thường cất 1 phần nông sản thu hoạch vào kho để ăn dần. Rồi bắp để khô thì cứng hạt, không làm sao ăn được, chỉ có cách nấu lên cho hạt mềm ra. Từ đó có bắp luộc. Bắp Việt hạt dẻo, trong. Nếu thu hoạch đúng mùa cho hạt to tròn. Bắp Mỹ - giống được cấy trồng sau này - to hạt nhưng dòn. Việt kiều ra nước ngoài nhớ lắm chiếc xe đạp thồ của cô gái miền quê Chợ Gạo với má lún đồng tiền và những trái bắp luộc nóng hổi.


Làng luộc bắp
Bên cạnh những đèn lồng lung linh ánh sáng, những bức tường rêu phong phố cổ, không hiếm những khách du lịch biết đến một Hội An khác, nhẫn nại, chắt chiu từ khó nhọc làm nên vị mặn mòi của cuộc sống. Nằm về phía bờ nam của đô thị cổ Hội An, làng Cẩm Nam được bồi lên bằng phù sa của con sông Hoài, còn có tên là cồn Nam Ngạn. Cẩm Nam nổi tiếng khắp vùng bởi món bắp luộc thơm ngọt, dẻo như nếp nương. Mỗi ngày, bắp Cẩm Nam theo chân người Hội An ra phố, trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người. Và đằng sau nó nhiều cuộc đời gắn với nghề luộc bắp, bán bắp...


Nức tiếng bắp Cẩm Nam

Bà con địa phương đôi khi gọi Cẩm Nam bằng cái tên dân dã, dễ thương “Cồn Hến” bởi nghề cào và chế biến món hến, đã trở thành đặc sản được nhiều khách du lịch biết đến. Cồn đất thơ mộng này được bao bọc bởi những luỹ tre xanh nằm giữa dòng chảy của con sông Hoài, phù sa bồi đắp hằng năm nên cây trái thứ gì cũng ngon. Trồng bắp, luộc bắp từ lâu, đã trở thành “nghề”. Món bắp luộc Cẩm Nam hình như cũng ngon hơn nhiều vùng đất khác, có thể do nguồn nước hoà vào cây trái, cho ra hạt bắp ngon ngọt đậm đà. Trong vùng cũng chỉ có nơi này gắn bó với trái bắp lâu bền đến thế, vì ở những lò luộc bắp, ông chủ có thâm niên trên 30 năm là chuyện thường.


Ông Phan Liếu, chủ lò luộc bắp ở Cẩm Nam rất ngạc nhiên khi thấy tôi hỏi cách luộc bắp, nhưng ông cũng chỉ dẫn rất tận tình, nồi luộc bắp đang sôi sùng sục, nhiệt độ lên tới hàng trăm độ C. Mỗi nồi ông Liếu xếp 800 đến 1.000 trái bắp, có khi hơn một chút ít tuỳ theo độ to, nhỏ của cùi bắp, mỗi ngày hai nồi, luộc từ 8g30 sáng đến 12g trưa là bắp chín. Mùa bắp rộ, lò của ông có khi nấu 3 đến 4 nồi. Ông Liếu chỉ thêm một “bí quyết” mà ai cũng dễ biết là khi luộc bắp, cho thêm vào nồi ít tấm mía hay đường, bắp sẽ ngọt và thơm hơn. Theo nghề luộc bắp hơn 30 năm nay, ông Liếu cũng không nhớ mình đã thuê thợ gò bao nhiều cái nồi lớn phục vụ cho nghề. Khi có bắp thì luộc bắp, khi hết mùa ông theo nghề sông nước, quăng chài kiếm cá cho vợ mang sang chợ Hội An bán. Mùa bắp từ tháng Chạp đến tháng 8, lò luộc bắp “mở cửa” hoạt động. Gần chục năm trở lại đây, trái cau bắt đầu xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, những lò nấu bắp chuyển sang nung cau. Nhờ thế, quanh năm những lò nấu này đỏ lửa.


Ở Cẩm Nam có cả thảy 4 lò nấu bắp, mỗi ngày xuất ra thị trường hàng chục tấn bắp, tiêu thụ ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ và nhiều vùng quê khác ở gần Hội An. Từ khi du lịch phát triển, du khách các nơi đổ về Hội An, nhiều nhà bung ra làm du lịch, mở quán bán hàng, người thêm đông, đất dần dần thu hẹp lại thì đất trồng bắp cũng dần ít đi. Bắp Cẩm Nam ít thì có bắp Cẩm Kim. Đất của xã Cẩm Kim ở bên kia sông Hoài, từ Cồn Hến nhìn sang thấy người rõ mồn một. Bắp ở đất này nhờ tưới từ nước và phù sa sông Hoài, ngon cũng nức tiếng gần xa. Hiện nay tất thảy các lò nung bắp ở Cẩm Nam đều lấy bắp ở Cẩm Kim đưa sang. Bắp tươi mua tại vườn giá từ 10 – 15 nghìn đồng/chục, mùa chính vụ giá có hạ hơn chút đỉnh. Nhưng khi thị trường tiêu thụ mạnh, các lò bắp đều hoạt động hết công suất thì nguồn bắp sống cung không đủ cầu, những ông chủ lò thức thời đã quyết định đầu tư nguồn hàng ngay trên đất trồng bắp. Những hộ trồng bắp ít vốn đến đầu vụ nhận giống và tiền mua phân bón từ những ông chủ lò bắp, đến mùa thu hoạch bẻ bắp xong là chất cả lên thuyền bơi sang sông giao cho ông chủ lò. Giá bắp bán theo kiểu đầu tư và bao tiêu sản phẩm như thế có hạ hơn hình thường một ít, nhưng bù lại lò bắp chủ động được nguồn hàng. Thời cơ chế thị trường, mỗi lò nung bắp cũng phải học cách tìm nguồn hàng và đầu ra cho sản phẩm, nên ông chủ lò bắp nào cũng có bạn hàng riêng.


Nhọc nhằn nghề bán bắp dạo



Theo nghề bán bắp rong gần năm nay, chị Nguyễn Thị Lên, nhà ở chợ Lai Nghi, Hội An kể chị không biết đến bao giờ mới dư dả được, nhưng theo nghề bán bắp này cũng có đồng ra đồng vào, ngày bán 150 trái bắp sẽ lãi được 45 nghìn đồng. Mỗi ngày chị đạp xe đến lò lấy bắp từ 11g30, đi xe buýt ra Đà Nẵng, bán dạo đến 4g30 tập trung về góc đường Lê Độ - Điện Biên Phủ, bán ở đây đến lúc nào hết bắp, thường là 12g đêm mới bắt đầu đạp xe về, về đến nhà đã gần 2g sáng của ngày hôm sau. Hai đứa con nhỏ gửi nhờ hàng xóm trông dùm. Hết mùa bán bắp, chị Lên tiếp tục đi bán bánh chưng dạo. Chị bảo, “bán bánh chưng khó hơn bán bắp nhưng nghề bán rong như cái nghiệp gắn với thân, biết khổ nhưng vẫn theo hoài, không biết đến bao giờ dứt được”. Mới đây Hội Phụ nữ xã cho vay 5 triệu đồng, vợ chồng chị mua được cái xe máy cũ, anh chồng ra thành phố bán bắp cùng vợ, số lượng bắp lấy ở lò tăng thêm được 50 trái. Nghề bán bắp rong theo họ đến mọi ngõ ngách của thành phố, cũng mong dành dụm sau này nuôi hai đứa con ăn học.

Bùng binh Điện Biên Phủ từ lâu trở thành nơi dừng chân của nhiều người bán đồ ăn dạo, đặc biệt là xe bán bắp. Có hàng chục xe bắp đứng thành hàng mời khách ghé mua. Những người bán bắp này phần lớn ở gần chợ Lai Nghi hoặc ở Cẩm Châu ra đây bán hàng. Họ cùng đến lấy bắp ở một lò, đứng bán cùng một nơi, bán hết hàng thì về cùng một lượt, không kể trời mưa hay nắng.

Không phải hàng chục mà có đến cả trăm người ở Hội An kiếm sống bằng nghề bán bắp luộc này. Nhờ họ, đặc sản bắp Cẩm Nam, Cẩm Kim đến được với nhiều người tiêu dùng, tiếng ngon cũng lan khắp gần xa. Ở gần Hội An, được ăn quen món bắp luộc, món chè bắp, lâu ngày không ăn sẽ thấy nhớ. Có một chị bạn đồng nghiệp vào miền Nam lập nghiệp, có lần chị bảo về đến quê là suốt ngày ăn bắp, ăn đến chán thì thôi, tên chị và bút danh của chị cũng là tên miền đất nhớ thương ấy. Thế mới biết, bắp Cẩm Nam đã khiến cho nhiều người xa quê phải nao lòng vì nhớ, ước mong một lần trở lại.

Không có nhận xét nào: