Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bắp

Lỡ nói chuyện " bắp " mà dừng lại thì thấy thiếu, nên nói hết luôn. Ngoài bắp luộc là món từ xa xưa. Xuất khát từ tây nguyên, món bắp nướng cũng dần dần trở thành món ăn quen thuộc. Với người miền Nam chế biến thêm mỡ hành. Tây Nguyên nổi tiếng với các loại nướng...nướng...cho nên khoai sắn họ cũng nướng tất. Bắp nướng xuất thân từ đó. Miền cao, gió - núi, bắp nướng và mùi thơm trở thành một hương vị tuổi thơ với bọn trẻ con vùng cao. Cứ lây rẫy bẻ vài trái, rồi quăng vào đám than cháy, chờ vài phút khơi ra, có 1 trái bắp nướng thơm lừng.

Về tới các khu vui chơi giải trí, thì bắp còn trở thành súp bắp, chè bắp, bắp xào. Bắp xào có kèm ruốc, bơ, một ít tương ớt... đây là món khoái khẩu của học sinh khắp nơi. Ngoài ra râu bắp còn dùng để nấu nước uống cho mát. Vị thơm đồng quê của râu bắp gợi nhớ hình ảnh quê nhà. Và cứ đi đâu xa, người ta thèm 1 trái bắp nướng, để khơi gợi hình ảnh của 1 tuổi thơ miền quê nào đó....
 Bắp là một trong những loại lương thực không thể thiếu trong các loại nông sản. Không nơi đâu mà không trồng bắp, từ miền ngược tới miền xuôi. Những ngày đầu năm, báo Sài gòn tiếp thị có bài viết " bắp luộc đi Mỹ" cũng thể hiện một loại thực phẩm mang hương vị quê nhà này. Ta có thể thấy bắp luộc quanh năm. Trời mưa, mùa mưa, một trái bắp luộc nóng hổi là hết sức tuyệt vời. Những ngày nóng nực, hóng gió Sài Gòn, 1 trái bắp luộc cũng đủ làm cái cớ để người người hẹn hò. Từ lâu đời, do quá trình di cư, nên gánh hàng rong đã trở thành văn hóa Việt từ rất ( rất) lâu rồi. Bắp luộc từ đó mà " di cư" khắp nơi. Đâu phải chỉ dân SÀi Gòn mới thích ăn bắp luộc. Không ai biết việc ăn bắp luộc có từ khi nào, chỉ biết rằng... ngày xưa, vì lo sợ rằng mùa sau sẽ bị đói, người nông dân thường cất 1 phần nông sản thu hoạch vào kho để ăn dần. Rồi bắp để khô thì cứng hạt, không làm sao ăn được, chỉ có cách nấu lên cho hạt mềm ra. Từ đó có bắp luộc. Bắp Việt hạt dẻo, trong. Nếu thu hoạch đúng mùa cho hạt to tròn. Bắp Mỹ - giống được cấy trồng sau này - to hạt nhưng dòn. Việt kiều ra nước ngoài nhớ lắm chiếc xe đạp thồ của cô gái miền quê Chợ Gạo với má lún đồng tiền và những trái bắp luộc nóng hổi.


Làng luộc bắp
Bên cạnh những đèn lồng lung linh ánh sáng, những bức tường rêu phong phố cổ, không hiếm những khách du lịch biết đến một Hội An khác, nhẫn nại, chắt chiu từ khó nhọc làm nên vị mặn mòi của cuộc sống. Nằm về phía bờ nam của đô thị cổ Hội An, làng Cẩm Nam được bồi lên bằng phù sa của con sông Hoài, còn có tên là cồn Nam Ngạn. Cẩm Nam nổi tiếng khắp vùng bởi món bắp luộc thơm ngọt, dẻo như nếp nương. Mỗi ngày, bắp Cẩm Nam theo chân người Hội An ra phố, trở thành món ăn quen thuộc của nhiều người. Và đằng sau nó nhiều cuộc đời gắn với nghề luộc bắp, bán bắp...


Nức tiếng bắp Cẩm Nam

Bà con địa phương đôi khi gọi Cẩm Nam bằng cái tên dân dã, dễ thương “Cồn Hến” bởi nghề cào và chế biến món hến, đã trở thành đặc sản được nhiều khách du lịch biết đến. Cồn đất thơ mộng này được bao bọc bởi những luỹ tre xanh nằm giữa dòng chảy của con sông Hoài, phù sa bồi đắp hằng năm nên cây trái thứ gì cũng ngon. Trồng bắp, luộc bắp từ lâu, đã trở thành “nghề”. Món bắp luộc Cẩm Nam hình như cũng ngon hơn nhiều vùng đất khác, có thể do nguồn nước hoà vào cây trái, cho ra hạt bắp ngon ngọt đậm đà. Trong vùng cũng chỉ có nơi này gắn bó với trái bắp lâu bền đến thế, vì ở những lò luộc bắp, ông chủ có thâm niên trên 30 năm là chuyện thường.


Ông Phan Liếu, chủ lò luộc bắp ở Cẩm Nam rất ngạc nhiên khi thấy tôi hỏi cách luộc bắp, nhưng ông cũng chỉ dẫn rất tận tình, nồi luộc bắp đang sôi sùng sục, nhiệt độ lên tới hàng trăm độ C. Mỗi nồi ông Liếu xếp 800 đến 1.000 trái bắp, có khi hơn một chút ít tuỳ theo độ to, nhỏ của cùi bắp, mỗi ngày hai nồi, luộc từ 8g30 sáng đến 12g trưa là bắp chín. Mùa bắp rộ, lò của ông có khi nấu 3 đến 4 nồi. Ông Liếu chỉ thêm một “bí quyết” mà ai cũng dễ biết là khi luộc bắp, cho thêm vào nồi ít tấm mía hay đường, bắp sẽ ngọt và thơm hơn. Theo nghề luộc bắp hơn 30 năm nay, ông Liếu cũng không nhớ mình đã thuê thợ gò bao nhiều cái nồi lớn phục vụ cho nghề. Khi có bắp thì luộc bắp, khi hết mùa ông theo nghề sông nước, quăng chài kiếm cá cho vợ mang sang chợ Hội An bán. Mùa bắp từ tháng Chạp đến tháng 8, lò luộc bắp “mở cửa” hoạt động. Gần chục năm trở lại đây, trái cau bắt đầu xâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, những lò nấu bắp chuyển sang nung cau. Nhờ thế, quanh năm những lò nấu này đỏ lửa.


Ở Cẩm Nam có cả thảy 4 lò nấu bắp, mỗi ngày xuất ra thị trường hàng chục tấn bắp, tiêu thụ ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ và nhiều vùng quê khác ở gần Hội An. Từ khi du lịch phát triển, du khách các nơi đổ về Hội An, nhiều nhà bung ra làm du lịch, mở quán bán hàng, người thêm đông, đất dần dần thu hẹp lại thì đất trồng bắp cũng dần ít đi. Bắp Cẩm Nam ít thì có bắp Cẩm Kim. Đất của xã Cẩm Kim ở bên kia sông Hoài, từ Cồn Hến nhìn sang thấy người rõ mồn một. Bắp ở đất này nhờ tưới từ nước và phù sa sông Hoài, ngon cũng nức tiếng gần xa. Hiện nay tất thảy các lò nung bắp ở Cẩm Nam đều lấy bắp ở Cẩm Kim đưa sang. Bắp tươi mua tại vườn giá từ 10 – 15 nghìn đồng/chục, mùa chính vụ giá có hạ hơn chút đỉnh. Nhưng khi thị trường tiêu thụ mạnh, các lò bắp đều hoạt động hết công suất thì nguồn bắp sống cung không đủ cầu, những ông chủ lò thức thời đã quyết định đầu tư nguồn hàng ngay trên đất trồng bắp. Những hộ trồng bắp ít vốn đến đầu vụ nhận giống và tiền mua phân bón từ những ông chủ lò bắp, đến mùa thu hoạch bẻ bắp xong là chất cả lên thuyền bơi sang sông giao cho ông chủ lò. Giá bắp bán theo kiểu đầu tư và bao tiêu sản phẩm như thế có hạ hơn hình thường một ít, nhưng bù lại lò bắp chủ động được nguồn hàng. Thời cơ chế thị trường, mỗi lò nung bắp cũng phải học cách tìm nguồn hàng và đầu ra cho sản phẩm, nên ông chủ lò bắp nào cũng có bạn hàng riêng.


Nhọc nhằn nghề bán bắp dạo



Theo nghề bán bắp rong gần năm nay, chị Nguyễn Thị Lên, nhà ở chợ Lai Nghi, Hội An kể chị không biết đến bao giờ mới dư dả được, nhưng theo nghề bán bắp này cũng có đồng ra đồng vào, ngày bán 150 trái bắp sẽ lãi được 45 nghìn đồng. Mỗi ngày chị đạp xe đến lò lấy bắp từ 11g30, đi xe buýt ra Đà Nẵng, bán dạo đến 4g30 tập trung về góc đường Lê Độ - Điện Biên Phủ, bán ở đây đến lúc nào hết bắp, thường là 12g đêm mới bắt đầu đạp xe về, về đến nhà đã gần 2g sáng của ngày hôm sau. Hai đứa con nhỏ gửi nhờ hàng xóm trông dùm. Hết mùa bán bắp, chị Lên tiếp tục đi bán bánh chưng dạo. Chị bảo, “bán bánh chưng khó hơn bán bắp nhưng nghề bán rong như cái nghiệp gắn với thân, biết khổ nhưng vẫn theo hoài, không biết đến bao giờ dứt được”. Mới đây Hội Phụ nữ xã cho vay 5 triệu đồng, vợ chồng chị mua được cái xe máy cũ, anh chồng ra thành phố bán bắp cùng vợ, số lượng bắp lấy ở lò tăng thêm được 50 trái. Nghề bán bắp rong theo họ đến mọi ngõ ngách của thành phố, cũng mong dành dụm sau này nuôi hai đứa con ăn học.

Bùng binh Điện Biên Phủ từ lâu trở thành nơi dừng chân của nhiều người bán đồ ăn dạo, đặc biệt là xe bán bắp. Có hàng chục xe bắp đứng thành hàng mời khách ghé mua. Những người bán bắp này phần lớn ở gần chợ Lai Nghi hoặc ở Cẩm Châu ra đây bán hàng. Họ cùng đến lấy bắp ở một lò, đứng bán cùng một nơi, bán hết hàng thì về cùng một lượt, không kể trời mưa hay nắng.

Không phải hàng chục mà có đến cả trăm người ở Hội An kiếm sống bằng nghề bán bắp luộc này. Nhờ họ, đặc sản bắp Cẩm Nam, Cẩm Kim đến được với nhiều người tiêu dùng, tiếng ngon cũng lan khắp gần xa. Ở gần Hội An, được ăn quen món bắp luộc, món chè bắp, lâu ngày không ăn sẽ thấy nhớ. Có một chị bạn đồng nghiệp vào miền Nam lập nghiệp, có lần chị bảo về đến quê là suốt ngày ăn bắp, ăn đến chán thì thôi, tên chị và bút danh của chị cũng là tên miền đất nhớ thương ấy. Thế mới biết, bắp Cẩm Nam đã khiến cho nhiều người xa quê phải nao lòng vì nhớ, ước mong một lần trở lại.

Pizza phần hồn nước Ý

Tôi- vốn mê Roma và Florence. Trong thâm tâm, vẫn vang vọng một ngày đặt chân lên đất nước có hàng ngàn năm thành quách này. Và trong các khoái khẩu thì không thể không kể đến Pizza. Hầu như được " tiếp viện" hằng tháng.
Hôm nay góp thêm bài về Pizza. Có người bảo rằng " Với nước Ý, Pizza là phần hồn của chàng trai đa tình và thanh lịch"


Lịch sử pizza bắt nguồn từ thời kỳ tiền sử với bột mì nướng trên những phiến đá phẳng lì và nóng. 1000 năm trước, chiếc bánh với lá thơm và gia vị được rắc lên trên tấm bột mì nhào hình tròn xuất hiện phổ biến tại Naples, Ý. Mới đầu, người ta ăn những chiếc bánh này như là một món khai vị hoặc ăn nhanh.
Tuy nhiên có một số tài liệu khác lại cho rằng, chiếc pizza xuất hiện đầu tiên lại là ở Hy Lạp, những người đã làm những chiếc bánh hình tròn, to và mỏng bằng bột mì, người ta cho dầu ô liu, gia vị, khoai tây và một số thứ khác lên đó. Cà chua chưa được sử dụng vì .. chưa có vào thời điểm đó. Sau đó chiếc bánh này mới du nhập vào Naples, Ý và được gọi là “pizza” tại đây. Cũng theo nghiên cứu này thì pizza bắt đầu phổ biến hơn chỉ khi có mặt ở Ý.
 Pizza bắt đầu phát triển trước kỷ băng hà. Những bà nội trợ đã chia những nắm bột mì nhào thành những miếng nhỏ để làm vỏ bánh và đưa chúng vào lò nướng. Pizza đã từng là một loại bánh làm ra chỉ để cho những người nghèo khổ dùng một cách đơn giản nhất, và giống như loại bánh crepe của Pháp và món bánh thịt chiên giòn của Mexico, pizza chỉ là một cách để sử dụng cho hết những phần bột thừa.

Những chiếc pizza mà chúng ta thấy ngày nay không giống với thời xa xưa, cho đến cuối thế kỷ 16, khi mà những người châu Âu tìm cách vượt qua sự sợ hãi của một khám phá mang tính đột biến của thế giới mới: những quả cà chua. Nguồn gốc từ Peru và Ecuador, loại cây trồng cho ra một thứ quả màu vàng hoặc đỏ - mà sau này người ta vẫn gọi là cà chua, đã ra mắt đại lục Châu Âu xa lạ vào đầu thế kỷ thứ 15. Được những chiến binh người Tây Ban Nha mang từ Châu Mỹ về, quả cà chua đã bị nghi ngờ là một loại quả độc và bị soi mói bởi những ánh mắt e dè đầy hoài nghi. Vào cuối thế kỷ 16, người Châu Âu mới bắt đầu biết ăn cà chua.
 Những người nghèo ở vùng Naples, Ý, nuôi sống mình bằng những chiếc bánh mì, là một trong những người đầu tiên cho cà chua vào những chiếc bánh mì hình tròn của họ.

Pizza kiểu hiện đại khai sinh năm 1889 khi nữ hoàng Margherita Teresa Giovanni, hoàng hậu của Vua Umberto đệ nhất nước Ý đến thăm Naples. Raffaele Esposito, chủ quán rượu Pietro Il Pizzaiolo, đã được yêu cầu chuẩn bị làm một món ăn đặc biệt để đón tiếp hoàng hậu. Esposito đã làm một chiếc bánh pizza với cà chua, pho mát mozzarella ( một thành phần chưa bao giờ được sử dụng trước đó để làm pizza được làm từ sữa trâu) và húng quế, những thành phần đã tạo nên ba màu đỏ, trắng và xanh lá cây tượng trưng cho lá cờ Ý. Ông đã đặt tên cho chiếc pizza đó là Margherita Pizza.
 Từ đó trở đi, pizza được biết và bán rộng rãi trên toàn nước Ý. Những vùng khác nhau lại có những ý tưởng khác nhau cho chiếc bánh của họ. Người dân ở Bolgona đã bắt đầu thêm thịt lên trên chiếc bánh. Chiếc bánh pizza của người Naples trở nên phổ biến, bắt đầu có tỏi và pho mát vụn cùng với rau thơm, rau tươi và những gia vị khác để làm nhân bánh.

Người dân Ý cũng đã nghĩ đến những cái lò gạch để nướng bánh, những chiếc bánh được nhào chỉ với bột mì, dầu, muối và men.

Những chiếc pizza bắt đầu xuất hiện nhiều hơn sau Thế Chiến thứ II, những người lính Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp… trở về từ nước Ý đã mở những quán pizza tại quê nhà và luôn coi rằng đó là một món ăn “đặc Ý”
 Năm 1905, Gennaro Lombardi đã chính thức mở cửa hàng bánh pizza mang phong cách Mỹ đầu tiên – quán Lombardi's Pizzeria Napoletana tại 53-1/2 Phố Spring, New York. Nước Mỹ trở thành nơi tiên phong trong việc tạo dựng hình ảnh chiếc bánh pizza trên toàn thế giới và đã xuất khẩu công nghệ làm bánh và khuyến khích dùng pizza với tốc độ chóng mặt chưa từng có.

Nhà hàng Pizza đã được mở ở những nơi mà chẳng ai có thể ngờ tới. Đó có thể là hòn đảo Curacao và Bonaire ở Caribbean, đảo san hô Palau ở miền Nam Thái Bình Dương, thậm chí chúng xuất hiện tại hầu hết những nước Ả Rập.

Trên thế giới còn có “Ngày Pizza” (International Pizza Day) vào ngày mùng 9 tháng hai. Sách Guinness đã ghi lại kỷ lục thế giới về chiếc pizza lớn nhất được làm ở Havana, Florida với đường kính là 100 feet và dày 1 inch.
 Từ “Pie” mà chúng ta biết không phải mang nghĩa là một miếng bánh, cũng không phải để tượng trưng cho hình dạng của nó. Mà “pie” có liên quan đến “Magpie” (chim chích choè). Những người La Mã gọi chúng là “Pica”, và “Pie” kết hợp cùng “Pica” để trở thành “Pizza” như chúng ta vẫn thường gọi ngày nay. Cái tên liên quan đến loài chim chích choè, những con chim có hai màu lông vẫn thường tha rất nhiều những thứ lỉnh kỉnh về tổ của chúng giống như những chiếc bánh pizza, loại bánh được làm bởi nhiều thành phần khác nhau với các loại bột, các loại gia vị, các loại rau, thịt và củ.
 Hiện nay tại Saigon có quá nhiều Pizza cho bạn chọn, Pizza In, Pizza hut, Pizza hot...

Những hòn đảo hình trái tim trên thế giới

Có những hòn đảo tồn tại đã lâu và cũng có những hòn đảo mới nổi. Do dòng chảy và thủy triều, thiên nhiên đã mang lại những kiệt tác mà con người phải ngưỡng mộ.
Còn đây là đảo Galesnjak ngoài khơi Croatia
Đó là hòn đảo nhỏ ở Adriatic ngoài khơi bờ biển Croatia. Nó đã trở thành một địa chỉ lý tưởng cho các cặp đôi yêu nhau bởi nó có hình dáng giống như hình trái tim. Với diện tích gần 13km2, đảo Galesnjak nổi bật sau khi nó được đánh dấu trên Google Earth.
Ngay cả người chủ của hòn đảo này cũng không nhận thấy hình dáng của nó là một trái tim hoàn hảo cho đến khi ông nhận được rất nhiều lời đề nghị được ở lại đây của các cặp đôi.
 Bãi đá ngầm Great Barrier ở Australia do các rặng san hô đan kết lại với nhau
Đảo Tupai, ở Pháp
Hồ Walchen ở Đức
Đảo Bora Bora, Pháp
Đặc biệt, đảo tình yêu này được các nhà khoa học phát hiện trên Sao Hỏa, sau khi vệ tinh thăm dò chụp ảnh bề mặt Hành tinh Đỏ và gửi về trái đất. Thiên đường tình yêu này được phát hiện năm 1999, nhưng có lẽ phải mất rất nhiều năm nữa để cặp tình nhân nào đó có thể tới được đây thể hiện tình yêu.
Hồ McKenzie, Đảo Fraser, Úc

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Foie Gras - Gan ngỗng nước Pháp

Người Nhật tự hào với món cơm gói rong biển (sushi) chấm mù tạt wasabi cay nồng. Người Trung Quốc hãnh diện với món vịt quay Bắc Kinh trứ danh. Người Ý ngẩng cao đầu với “họ hàng” pasta đa dạng. Người Pháp - chủ nhân của nền ẩm thực đặc sắc, cái nôi của ẩm thực châu Âu, tự tin giới thiệu với thế giới món gan ngỗng béo có một không hai của mình.

Món gan ngỗng của Pháp hiện diện ở hầu hết những nhà hàng cao cấp đạt chuẩn quốc tế, bởi không phải nhà hàng nào cũng có thể phục vụ, không phải thực khách nào cũng dễ dàng thưởng thức được món ăn trứ danh này. Người sành điệu phải gọi món này là foie gras.
Foie gras mới mang đậm đặc trưng nước Pháp, mới là tên gọi của loại gan ngỗng hảo hạng xuất xứ tại Pháp. Một số quốc gia châu Âu cũng nuôi được loài ngỗng lấy gan, gan cũng to nhưng chất lượng thì không thể theo kịp vị ngon tinh túy của foie gras chính hiệu Pháp quốc bởi khi áp chảo chiên, gan “nhái” bở bạt và tứa dầu chứ không ráo, chắc, không đẹp như gan “hiệu”. Mà nguồn hàng ở đâu để có được loại gan ngỗng hảo hạng thì chịu!

Người viết bài này có dịp thưởng thức nhiều phong cách chế biến foie gras tại nhiều nhà hàng, nhưng thích thú và tận hưởng món foie gras áp chảo chiên hơn cả. Cả khối gan ngỗng được cạo nhớt, lấy gân sạch sẽ và cắt thành từng miếng be bé dầy chưa đầy vuông tay, sau đó được áo một lớp bột mỏng cho ráo, đoạn cho vào chảo chiên sơ.
 Chỉ chiên sơ thôi, một mặt áp trên chảo chừng vài ba phút thôi, chiên cho khéo là cả một nghệ thuật: non lửa gan bở, già lửa gan khét mặt, chảy thành dầu mất cả ngon. Bởi vậy, nhà hàng năm sao có phục vụ món này chỉ dám cho đầu bếp chính trổ tài. Thực khách cao cấp thì khẩu vị lắm khó khăn, non già gì là biết ngay.

Foie gras chiên xong, thấm cho bớt dầu, xếp vào đĩa. Món gan ngỗng áp chảo muốn bật được hết vị ngon, vị béo của nó phải được thưởng thức cùng món ngòn ngọt đi kèm. Nhiều nơi phục vụ với mứt trái sung, sốt dâu rừng, riêng tôi lại mê mẩn khi thưởng thức gan ngỗng cùng với táo xanh đút lò, rưới thêm chút xi rô grenadine, bánh mì briche (loại bánh lên men đặc ruột có vị ngọt) cùng một ít xà lách non trộn dầu giấm.
 Ẩm thực Pháp phối hợp tinh tế giữa thức ăn và rượu vang: ăn phải kèm uống, uống giúp ăn thăng hoa trọn vẹn, ăn giúp uống phát huy tiềm năng. Nếu như Việt Nam thường dùng câu “Nồi nào úp vung nấy” thì Pháp cũng có câu tương tự: Foie gras come with Sauterne (gan ngỗng phải dùng kèm rượu Sauterne). Thưởng thức Foie gras phải nhấm nháp chút rượu Sauterne mới đúng nghĩa: “huynh đệ song hành”.

Sauterne là loại rượu vang trắng làm từ quả nho để chín nẫu trên cành, độ đường kết tinh cao nên khi làm ra, rượu ngọt lừ, sóng sánh thơm mùi mật ong. Các bạn thử tưởng tượng: trong không gian lãng mạn với ánh nến lung linh của nhà hàng 5 sao, thong thả cắt một miếng gan ngỗng nhỏ kèm miếng táo ngâm xiro, nhấm thêm chút bánh mì ngọt và xà lách hơi hăng hăng. Nhâm nhi từng chút, từng chút…
 Vị béo ngậy của gan ngỗng được vị ngọt của táo, của bánh mì khơi dậy lên, ngon tê cả lưỡi! Khẽ hớp một ngụm rượu Sauterne ướp lạnh, bạn có cảm giác mình đang thưởng thức cả bản giao hưởng của hương vị, vị ngon cứ vương vấn nơi đầu lưỡi, mãnh liệt đến nỗi chỉ cần được nếm một lần thôi để mỗi khi nhớ lại cứ thấy vị ngon vẫn phảng phất đâu đây…

Bánh khoái

Bánh khoái không còn đơn thuần là một món ăn mà đã trở thành một phần văn hóa Huế.
 Bánh khoái Thượng Tứ nay đã có tên trong sách hướng dẫn du lịch quốc tế. Đặc biệt, “thương hiệu” gần 40 tuổi đời này được khai sinh bởi một gia đình có 7 người câm điếc và tất cả đều làm ăn phát đạt nhờ... bánh khoái!

Ở phía Đông Nam kinh thành Huế có một đoạn đường đặc biệt - đường Đinh Tiên Hoàng. Từ Thương Bạc vào đến cửa Thượng Tứ, phía số chẵn có 14 nhà nhưng có tới 7 gia đình của anh chị em họ Lê. Tất cả họ đều bị khuyết tật và đang sở hữu một thương hiệu nổi tiếng của đất cố đô: Bánh khoái Thượng Tứ, nay đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực Huế.

Hương vị:

Huế có nhiều chỗ làm-bán bánh khoái như Đông Ba, Gia Hội, Vĩ Dạ, Kim Long... nhưng bánh khoái Lạc Thiện ở Thượng Tứ trứ danh hơn cả nhờ bí quyết nằm ở chén nước lèo, thứ nước chấm sền sệt tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái.

7 người con câm điếc.
Người khai sinh cho thương hiệu bánh khoái Lạc Thiện là vợ chồng ông Lê Văn Thiện và bà Hồ Thị Trà. Năm 1956, bà Trà từ Quảng Trị vào Huế lấy chồng, mở tiệm làm bánh và bắt đầu lập nghiệp. Hiện nay, ông Thiện đã qua đời, nhưng tấm ảnh còn lại của ông cho thấy thời trẻ ông khá đẹp trai, phong độ. Bà Trà nay đã trên 80 tuổi, trông đẹp lão, phúc hậu. Có lẽ nhờ thế, những người con của ông bà sinh ra đều đẹp trai, xinh gái nổi tiếng một thời ở cố đô. Sau khi sinh người con gái đầu lòng thì bà bị một chứng bệnh lạ dẫn đến lãng tai, sau đó điếc dần. Tiếp theo, 7 người con của ông bà gồm 3 trai, 4 gái đều bị câm, điếc bẩm sinh. Nỗi bất hạnh của con cái đã được cha mẹ bù đắp. Hơn 40 năm gầy dựng cơ nghiệp, bà Trà lần lượt truyền nghề cho các con, chỉ duy món nước lèo, là bí quyết gia truyền, bà còn giấu kín. Cũng từ nguyên liệu cơ bản như đậu phụng, mè, ruốc, gan lợn... như những tiệm bánh khoái khác, nhưng độ ngon của nước lèo do bà Trà chế biến vẫn là số một. Chị con dâu đầu, đang cùng chồng theo nghề gia truyền đến nay đã 27 năm, vẫn chưa được pha chế nước lèo. Chị kể rằng, năm ngoái bà cụ bị ốm một trận nặng, nhưng bà vẫn chưa chịu tiết lộ bí quyết. Bà bảo: “Khi nào trăng trối, bà mới cho chị được truyền thừa công thức chế món nước lèo”. Nhờ có tay nghề giỏi, đã có lần, bà Trà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên – Huế mời ra Hà Nội chế biến bánh khoái phục vụ một đại hội lớn. Tên tuổi Lạc Thiện được vang xa. Nhờ giữ gìn được nghề lâu như vậy, cùng với sự chịu khó, tần tảo của hai vợ chồng bà Trà, cả 8 người con của họ đều được cho ăn học đến nơi đến chốn. Vốn liếng tích lũy được, ông bà đã mua được cho mỗi con một căn nhà và tất cả đều đã có gia đình, làm ăn bề thế, khang trang nhờ... bánh khoái.

Người Huế cũng hay gọi đường Đinh Tiên Hoàng là “phố bánh khoái người câm” hay “phố bánh khoái không lời” bởi cả gia đình câm điếc họ Lê này tập trung gần như đầy đủ trên một dãy phố. Ba quán Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Lạc Thuận nằm san sát nhau tại cuối đường Đinh Tiên Hoàng. Bất kể Huế có đang trong mùa lễ hội hay không, ba nơi đều nườm nượp khách. Chủ quán Lạc Thiện là anh Lê Văn Trung, con trai lớn của bà Trà. Chủ hai quán còn lại lần lượt là anh Lê Văn Thạnh và chị Lê Thị Thanh Yến. Khách từ phương xa tới, thật bất ngờ khi thấy anh chủ tiệm đẹp trai nhưng chỉ biết ra dấu, cô hàng bánh xinh đẹp, dùng mấy ngón tay làm ký hiệu tính tiền và đặc biệt là rất giỏi ngoại ngữ, bút đàm với khách Tây. Chưa hết, cô em gái Lê Thị Thanh Ngọc còn mang cả thương hiệu bánh khoái Lạc Thiện vào TPHCM, mở quán gần chùa An Lạc trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cũng đông khách không kém.

Có tật-có tài, người đời đã nói vậy, 7 anh em tật nguyền nhà họ Lê làm gì cũng giỏi, cũng có tiếng. Chàng trai Lê Văn Lan đã từng là họa sĩ, mở xưởng vẽ tranh truyền thần. Sau có vợ, về mở quán ăn đặc sản với cái tên rất lãng mạn “Huế Xưa”, được đông đảo khách thập phương tìm đến. Ngay bên quán bánh Lạc Thiện là tiệm may Phương Mai do hai người con gái Lê Thị Hoàng Anh, Lê Thị Thu Cúc làm chủ tiệm. Đây là một trong những quán may đẹp nổi tiếng của Huế, rất đông khách nhờ hai cô chủ tiệm khéo tay và khá xinh đẹp. Điều may mắn là hơn 30 người con của 7 gia đình anh em ruột bị câm điếc bẩm sinh này không ai bị khuyết tật như bố mẹ. Đa số được cho ăn học tử tế và nhiều người kế tục nghề làm bánh.
 Bánh khoái ăn kèm với xà lách

Bánh khoái làm say lòng du khách.
Đã có biết bao giai thoại về gia đình câm và thương hiệu bánh khoái nổi tiếng này. Ban đầu, khách đến ăn bánh khoái Thượng Tứ cũng một phần vì tò mò, muốn biết được nghe cắt nghĩa vì sao 7 đứa con của bà Trà đồng loạt bị câm điếc. Đương nhiên là không có nguyên nhân nào thuyết phục cả, ngoài lời đồn đãi rằng ngôi mộ ông nội của họ táng trúng lưỡi rồng, nên mới sinh con ra bị dị tật như thế (?!). Thế rồi, lời đồn đãi ấy cũng bị lãng quên, thay vào đó là nét đẹp dịu dàng, thuần hậu của những người con gái gia đình họ Lê đã “hớp hồn” du khách. Ăn bánh ngon, lại được ngắm cô chủ quán xinh xinh, có thực khách đã tức cảnh sinh tình, ghi lại hai câu thơ, vừa tán tụng bánh khoái, vừa tán tỉnh cô chủ quán xinh đẹp:

Trăm năm bửu vật đất đế đô

Bánh khoái là đây phải không cô?

Bây giờ, bánh khoái Huế nói chung, đặc biệt là bánh khoái của gia đình người câm họ Lê đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân cả nước, kể cả một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Ở Huế, đây là một trong những món ăn được khách Tây ưa thích nhất hiện nay. Nhiều đoàn khách nước ngoài, trước khi đến Huế đã đặt sẵn các suất bánh khoái của tiệm Lạc Thiện. Những cái tên Lạc Thiện, Lạc Thạnh, Lạc Thuận... nay đã được ghi trong cẩm nang hướng dẫn du lịch của các hãng lữ hành quốc tế, được giới thiệu bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật. Đến Huế, muốn ăn bánh khoái, du khách chỉ việc tìm theo sách mà tới. Chị Nguyệt đã cho tôi xem khá nhiều bức ảnh gia đình chụp chung với khách, đủ các quốc gia từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Có khách cao hứng viết cả lời khen tặng trên vách nhà. Có người về nước gửi thư sang, khen ngợi và cảm ơn bánh khoái Thượng Tứ đã để lại cho họ một kỷ niệm đẹp. Tôi cũng được chủ tiệm cho xem nhiều bài báo của các phóng viên nước ngoài viết, ca ngợi bánh khoái của gia đình họ Lê, được cắt ra, gửi về tặng. Trong một bài báo cũ của tờ Bangkok Post (Thái Lan) có ghi lại cảm tưởng: “Huế không chỉ làm say lòng du khách bằng một di sản văn hóa thế giới, mà bằng cả những món ăn bình dân, trong đó có bánh khoái. Lần sau đến Huế, chúng tôi nhất định ăn thật nhiều món này”.

Bánh khoái Thượng Tứ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của khách nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đã biết Huế chính là nhờ cái tên bánh khoái Thượng Tứ. Gần 40 năm tồn tại trên đất cố đô, cũng như cơm hến, tiếng hò sông Hương, tiếng chuông Thiên Mụ, bánh khoái không chỉ đơn thuần là một món ăn nữa mà đã trở thành một phần văn hóa Huế, khiến du khách phải say lòng.

Nội dung: trích từ http://www.hue.vnn.vn
Hình ảnh: http://www.coinguonvietnam.com

Truyền thống món nướng và Sapa

Người VN nói riêng và một số bạn bè láng giềng như Thái Lan, Indo...có sở thích ăn các món nướng.
Chẳng biết có nguồn gốc từ khi nào, có một câu truyện như sau. Truyện kể rằng, ngàn xưa khi con người còn ăn lông ở lỗ. Vào một ngày nọ, cả dân làng đi săn được khá nhiều thú rừng. Tối đó, cả tộc tập trung ở nhà làng,cùng xẻ thịt thú vật để dâng lên thần linh tạ ơn. Trong lúc nhảy múa bên lửa, già làng đã đánh đổ khay thịt sống vào lửa thiêng. Cả dân làng sợ hãi vì phần thức ăn khá lớn đã bị nuốt vởi lửa thiêng. Vì tiếc, già làng dùng gậy khơi lửa lấy lại thịt. Khi ấy thịt chín bằng lửa, hương thơm ngạt ngào, lông thú cũng trụi đi, để ra phần thịt trắng ngọt. Kể từ đó, con người càng thờ cúng và nâng niu lửa thần và biết ăn chín.
Ngày nay thì các món nướng càng thu hút người sành ẩm thực. Từ mực nướng, cá nướng, gà nướng....hiện nay còn kèm theo có đậu bắp nướng, cà tím nướng....Các loại rau đều có khả năng nướng.
 một nguyên tắc đơn giản để giúp bạn an tâm khi ăn các món nướng tránh độc tố:
- thấm nước sốt rồi nướng.
- Trở qua trở lại thường xuyên, tránh cháy xém
- khi ăn gà nướng, nên bỏ phần da được nướng
- đảm bảo nhất là bọc giấy bạc nướng.

Nước sốt

Trong những năm gần đây, nhiều nhà khoa học cho rằng nước sốt, ngoài tác dụng tăng hương vị cho món ăn, còn có thêm một vai trò quan trọng khác là tăng tính an toàn cho các món nướng.

Giáo sư Mark G. Knize, làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở Califonia (Hoa Kỳ), khẳng định nếu bạn tẩm hoặc ướp thực phẩm cần nướng với nước sốt trước khi cho lên lò thì sẽ giúp giảm hơn 95% nguy cơ phát sinh chất độc hại HCA.

GS Knize cho biết một lớp dịch lỏng khá dày với các thành phần đặc biệt trong nước sốt sẽ bao phủ lấy thực phẩm, làm giảm lượng mỡ chảy xuống, từ đó hạn chế đáng kể sự phát sinh các độc tố. Sốt càng đặc càng mang lại hiệu quả cao.

Món nước sốt lý tưởng dùng cho nướng: dấm trắng, dầu thực vật, củ hành băm nhỏ, rau thơm các loại, tỏi, tiêu và một ít bột năng hoặc bột bắp để tạo độ dẻo và nên tẩm ướp trước 20-30 phút.

Món nướng Sapa

 Đến với Sapa, hầu hết du khách ai cũng háo hức mong được thưởng thức các món nướng đặc sắc của Sapa. Nằm ở con phố Hàm Rồng, cạnh nhà thờ Đá, cứ khoảng 3-4 giờ chiều là khách bắt đầu dập dìu các quán ở đây.
Hương vị thơm lừng từ những xiên heo bản đang chín dần trên bếp than, cái chất cái vị không dễ tìm ở đâu mà có. Không biết nguồn gốc có từ khi nào, chỉ biết rằng trong cái lạnh về chiều ở Sapa, chỉ cần ngồi quây quần bên bếp than, chờ chín những món ăn lạ, cũng đủ làm khách các nơi thích tập trung khu vực này.

Hàng chục quầy hàng, kéo dài đến cuối đỉnh dốc. Món nướng Sapa đa dạng, từ khoai ngô nướng đến heo bản nướng, trứng gà nướng, cá suối nướng, thịt cuốn rau nướng, hạt dẻ nướng....có cả cơm lam nướng....

 Trời tối, Sapa hạ nhanh nhiệt đội dưới 10 độ C. Than bếp các quầy hàng đỏ rực và khách quây quần rất đông.Khách đặc biệt thích lợn cắp nách còn được gọi là lợn bản, thịt ngon hơn heo sữa. Do là loại lợn thả rong, nhỏ con nên thịt ngọt, thơm.
Khói của các món đồ ăn bốc lên hòa quyện trong cái giá lạnh về đêm của Sapa. 12 giờ đêm nhưng du khách vẫn không ngớt. Tây có, ta có, đồng bào dân tộc cũng có. Ngồi lại gần nhau, râm ran trò chuyện và thưởng thức món nướng thơm lừng. Trời càng lạnh, các món nướng càng ngon, phải ăn vào buổi tối trời lạnh thì mới thưởng thức được hết cái thi vị tận cùng của nó.

Cơm lam Sapa cũng có hương vị riêng. Không có nước dừa như những nơi khác. Cơm bỏ vào ống tre và nướng. Khi chín, tách đôi ống tre ra, mùi cơm chín hòa cùng vị tre thơm ngạt ngào, có một chút vị khen khét thì càng ngon. Cơm lam ăn ngon nhất là chấm với muối mè.
Còn gì tuyệt vời hơn trong không khí nơi vùng cao, mùi vị phảng phất của cái lạnh Châu Âu hòa cùng với hương vị quê hương. Quá thi vị còn gì bằng!!!


Tôm tích Hà Tiên nướng

Nếu là dân sành ăn, cứ hễ đi biển, thể nào người tac cũng cố tìm tôm tích. Bất kì ở bãi biển nào, cũng có thể câu được tôm tích. Tuy nhiên, nổi tiếng về ngon và to là tôm tích Hòn tre - Kiên Giang.
 Tuổi thơ của những đứa trẻ vùng biển là mang đậm kỉ niệm của những buổi chiều đi câu tôm tích. Cứ thủy triều xuống, bọn nhỏ cầm cây khấu, rủ nhau đi câu tôm tích ( cây khấu: 1 cái cây dài, cỡ 1 m, đầu buộc những cọng sắt cong cong). Khi nhìn thấy những lỗ to bằng ngón tay, cứ nhắm đó mà chọc cây vào rút mạnh. Tôm tích dính vào búng tanh tách.
Giá tôm tích trung bình: 150.000 đ/ kí. Nếu vào ngay nhà hàng hay khu du lịch, có khi giá đội lên đến 500.000 đ/ kí.
Tôm tích có thể hấp, ngon nhất vẫn là nướng. Nguyên tắc hải sản cứ cho lên bếp nướng là thơm lừng. Ăn với muối tiêu chanh.
Cách lột bỏ vỏ tôm tích: lột bỏ những chân mềm bên dưới bụng, tách vỏ trên thân, kéo theo chiều dài, bỏ đầu.
 Ngồi trước biển gió lồng lộng, mùi tôm tích nướng chín, thưởng thức một chút với rượu ngon, còn gì bằng!!!

Ẩm thực Cuba

( ảnh chụp tại quán 100 miles, Chicago IL)
Nếu các món ăn của Ấn đặc sệt mùi cà - ri thì đối với ẩm thực Cuba, không thể nào không kể đến mùi nghệ.
Người Cuba yêu mùi nghệ như Ấn độ yêu mùi cà-ri.
Thuộc quần đảo Caribe, mùi vị ẩm thực của Cuba cũng bị " lai" một chút từ Tây Ban Nha. Bữa ăn đặc trưng cuba luôn gồm gồm có chuối, đậu đen ( black bean - như chén màu xanh trong ảnh trên), gạo, thịt bò thái nhỏ, bánh mì Cuba và hoa quả.
 Trái với kiểu phục vụ món của Châu Âu, cách phục vụ của Cuba là mang lên tất cả cùng một lúc.Người Cuba thường khai vị bằng pizza thịt bò cùng nước sốt ( salsa) cà.
 Hoặc cá hồi nướng ăn cùng mù tạt. Tỏi, thìa là Ai Cập, oregano và lá nguyệt quế là các loại gia vị được sử dụng nhiều nhất để tăng hương vị cho món ăn.
 Ngoài ra, Cuba cũng nổi tiếng với món ropa vieja: thịt bò xé sợi, hầm mềm với nước sốt cà chua
 Phải kể đến món Tamales, gói bằng lá với nguyên liệu bắp nghiền thành bột, thịt heo xay, gia vị. Gói bằng lá bắp rồi luộc trong nước muối