Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

THÀNH PHỐ ĐÁ PETRA Ở JORDAN

Nằm trên lộ trình buôn bán gia vị thịnh vượng ở Trung Đông, Petra là một trong các thành phố đá tráng lệ và bí ẩn nhất thế giới. Các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật được một góc thành phố sau gần 100 năm miệt mài làm việc.
 Petra ( tiếng Hy Lạp có nghĩa là đá ) nằm trong một thung lũng tạo thành do kẽ nứt của trái đất ở phía Đông Wadi Araba ( Jordan), cách Biển chết 80km. Thành phố được biết đến nhờ sự phát đạt của kỹ nghệ buôn bán gia vị. Petra ( thủ phủ xứ Nabatae cổ) còn nổi tiếng với các hệ thống công trình thủy lợi. Nó được tự trị cho đến triều đại La Mã Trajan và rất thịnh vượng trong những ngày bị người La Mã cai trị.
 Thành phố Petra phát triển quanh con đường Colonnadel vào thế kỉ thứ nhất sau công nguyên và đến những năm giữa thế kỉ này tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh. Theo dòng chảy con song Wadi Musa, trung tâm thành phố nằm hai bên con đường Colonnadel. Các mỏ đá được mở vào thời kì này và công cuộc xây dựng thành phố được tiến hành lien tục đến thế kỉ thứ 2.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1200 trước công nguyên, khu vực Petra ( không nhất thiết là thành phố Petra ) có đông người Edomite sinh sống nên được gọi tên là Edom ( đỏ). Trước khi bị người Israel xâm lược, người Edomite kiểm soát các lộ trình buôn bán từ Arabia ở phía Nam đến Damascus ( Syria) ở phía Bắc. Người Edomite nổi tiếng về sự khôn ngoan, kỹ nghệ dệt, nghề gốm, luyện kim và cả văn chương nhưng những gì họ lưu lại cho đời sau ở Petra thật là hiếm hoi.
Chương kế tiếp trong lịch sử Petra thuộc về thời kỳ Persia. Trong giai đoạn này người Nabatae di dân vào Edom, đẩy người Edomite xuống xứ Palestine ở phía Nam. Chính người Natabae, một trong nhiều bộ tộc Ả Rập đã biến Petra thành thủ đô vương quốc của họ và làm cho thành phố nổi tiếng. Vào thời điểm này dưới sự cai trị của người Ptolamef sau đó, cả khu vực đã thịnh vượng với sự gia tăng của các lộ trình buôn bán và việc xuất hiện các thành phố như Philadelphia ( tức Amman hiện nay) và Gerasa ( Jerash hiện nay). Tranh chấp nội bộ giữa bộ tộc Seleucid và Ptolemy an hem đã tạo điều kiện cho người Natabae lấy lại quyền kiểm soát các con đường mậu dịch từ Arabia đi Syria. Bất chấp các xung đột giữa người Maccabea Do Thái và các lãnh chúa Seleucid, công việc buôn bán của người Natabae vẫn tiếp tục đi lên.
Dưới sự cai trị của người Natabae, Petra trở thành trung tâm hoạt động buôn bán gia vị trải dài từ Arabia đến Aqaba, Petra và vươn đến tận dải Gaza ở Tây Bắc hay qua đi qua Amman đến Bostra, Damascus và cuối cùng đến Palmyra và sa mạc Syria. Nhưng trong những thành tựu đáng kể nhất mà người Natabae để lại cho đời sau có các công trình hệ thống thủy lợi gồm những hệ thống bảo tồn nước và các con đập được xây dựng để đổi dòng chảy các con song trương nước vào mùa đông hầu tránh lụt lội cho khu dân cư, trồng trọt.
 Năm 64-66 trước Công nguyên, người Natabae bị tướng La Mã Pompei khuất phục, chính sách của Pompei là phục hồi các thành phố bị người Do Thái chiếm đóng. Tuy nhiên, ông ta cố duy trì một xứ Natabae độc lập ( người La Mã chỉ đánh thuế và dùng nó như trái độn chống lại các bộ tộc hiếu chiến từ sa mạc tràn xuống. Dưới thời Hoàng đế La Mã Trajan ( năm 106 sau Công nguyên), Natabae mới bị mất sự độc lập một phần và cùng với Petra nó sáp nhập vào tỉnh Arabia Petraea của La Mã với thủ phủ là Petra. Năm 313 sau Công nguyên, Thiên chúa giáo trở thành một tôn giáo được nhà nước thừa nhận. Năm 330, Hoàng đế Constantine thành lập vương quốc La Mã phía đông với thủ đô là Constantinople. Dù trận động đất năm 363 đã phá hủy phân nửa thành phố nhưng Petra vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính của nó và được chọn đặt tòa giám mục Byzantine. Nhà thờ Petra mới được khai quật có lưu giữ cả những cuốn sách giấy ghi chép lại một thời kì đặc biệt là những gì xảy ra trong thế kỉ thứ 6.
 Những cư dân thời Byzantine phá hủy nhiều công trình riêng biệt hoặc khắc trong vách đá nhưng họ cũng xây dựng lại các công trình riêng kể cả các nhà thờ. Họ biến lăng mộ lớn nhất Ad-Dayr thành một nhà thờ tráng lệ. Nhưng khi các lộ trình mậu dịch đi theo hướng khác, Petra mất dần đi ưu thế về thương mại. Năm 551 một trận động đất với sức công phá lớn càng sớm đưa thành phố vào thời kì suy đồi. Rồi khi đạo Hồi nổi lên, Petra trở thành một cộng đồng thứ yếu. Năm 1812 thế giới phương Tây biết đến Petra khi nhà thám hiểm Thụy sĩ Ladwig Burckhardt khám phá ra nó.
 hư các địa điểm ngoạn mục khác ở Trung Đông, Petra thu hút rất nhiều khách du lịch và các nhà khai quật. Trong thế kỉ 19, thành phố được nhiều nhà thám hiểm Châu âu đến nghiên cứu và lập hồ sơ. Năm 1905, một cuốn sách biên khảo chi tiết về Petra do Libbey và Hoskins soạn được công bố. Các khai quật khảo cổ cũng được tiến hành vào đầu thế kỉ 20 và nhiều báo cáo được xuất bản trong tờ Arabia Petrae năm 1907 kí tên A.Musil. Năm 1920, sau khi đến Petra, hai nhà khảo cổ R.E.Brunnow và A.Von Domaszewski xuất bản tấm bản đồ về khu vực có tên Die Provincia Arabia. Năm 1990, nhà khảo cổ Judith McKenzie đã công bố một công trình nghiên cứu mới nhất về Petra. Sau đó các cuộc khai quật vẫn tiếp tục được làm để chỉnh lý lại các công bố trước đây. Tuy nhiên sau gần 100 năm bị đào bới, thành phố Petra vẫn còn 99% bí mật chưa được chạm đến.

Tác giả bài viết: Phương Bối
Hình ảnh: chọn lọc từ các trang : hazon.org, adventure-travel.org.uk, aphs.worldnomads.com, freefoto.com, ih-ra.com,kilby.sac.on.ca

Không có nhận xét nào: